Vứt tàn thuốc lá không đúng nơi quy định, đi tiểu bậy sẽ bị phạt đến 3 triệu đồng
Theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vừa được Chính phủ ban hành, kể từ ngày 1/2/2017, hành vi đi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt hành chính từ 1-3 triệu đồng.
Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm khác rất phổ biến trong sinh hoạt thường ngày của người dân cũng sẽ bị áp dụng mức xử phạt hành chính theo nghị định này như: vứt tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; vứt rác thải bừa bãi tại khu chung cư , thương mại ,…bị phạt từ 3-5 triệu đồng.
Đặc biệt, hành vi vứt rác thải lên vỉa hè, đường phố, hệ thống thoát nước sẽ bị xử phạt từ 5-7 triệu đồng,…
Ngoài ra, đối với các khu công nghiệp , tái chế… nếu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường sẽ bị phạt từ 5-500 triệu đồng. Trong đó, mức xử phạt cao nhất từ 400-500 triệu sẽ được áp dụng cho hành vi không trang bị hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định.
Về vấn đề bảo vệ môi trường biển, đối với hành vi đổ các loại hóa chất độc hại, chất thải rắn, nước thải không xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật xuống vùng biển thuộc khu bảo tồn thiên nhiên, di sản tự nhiên,… sẽ bị phạt từ 250 – 500 triệu đồng.
Nghị định cũng nêu rõ, phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với hành vi đổ chất thải nguy hại, chất thải có chứa chất phóng xạ xuống vùng biển Việt Nam, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường.
Không phải trả phí khai thác danh mục thông tin về BĐS qua mạng
Theo Thông tư 27/2016/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 01/02/2017, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng Danh mục thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) hoặc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản được công khai, phổ biến rộng rãi qua mạng Internet, trang điện tử sẽ không phải trả phí.
Đối với các thông tin, dữ liệu còn lại, tổ chức, cá nhân muốn khai thác, sử dụng phải được cấp quyền truy cập khai thác, sử dụng qua mạng Internet, trang điện tử; tài khoản truy cập tra cứu thông tin, dữ liệu sẽ được gửi cho cá nhân, tổ chức trong thời hạn tối đa 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu hoặc thời điểm cá nhân, tổ chức thanh toán chi phí sử dụng dịch vụ (nếu có).
Về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có quyền truy cập cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản, Thông tư quy định, tổ chức, cá nhân không được làm lộ địa chỉ, mã khóa truy cập đã được cấp; chỉ được khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu trong phạm vi được cấp, không xâm nhập trái phép cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; sử dụng thông tin, dữ liệu đúng mục đích và phải thanh toán chi phí dịch vụ cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định (nếu có)…
Từ 1.2.2017, thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài
Ngày 22/11/2016, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Theo Nghị quyết, từ ngày 01/02/2017, sẽ thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong 2 năm. Thị thực điện tử được cấp qua hệ thống giao dịch điện tử, có giá trị nhập cảnh 1 lần với thời hạn không quá 30 ngày; người đề nghị cấp thị thực điện tử phải nộp phí cấp thị thực qua tài khoản ngân hàng; trường hợp không được cấp, phí cấp thị thực không được hoàn trả lại.
Để được thí điểm cấp thị thực điện tử, người nước ngoài phải là công dân của nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam. Ngoài ra, người nước ngoài được cấp thị thực điện tử còn phải có hộ chiếu và không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Miễn lệ phí cấp thẻ căn cước công dân lần đầu cho người từ đủ 14 tuổi
Từ ngày 10.02.2017, miễn phí cấp thẻ căn cước công dân lần đầu cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, trong khi theo quy định trước đây phải dưới 16 tuổi là nội dung mới đáng chú ý tại Thông tư 331/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 256/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp căn cước công dân.
Cũng từ ngày 10.02.2017, các trường hợp miễn lệ phí sẽ chính thức được thu hẹp lại còn 3 trường hợp, bao gồm: Đổi thẻ căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; Đổi, cấp lại thẻ căn cước cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa; Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10.02.2017; áp dụng với hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân nộp từ ngày 01.01.2017.
Điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH
Có hiệu lực từ ngày 11.02.2017, Thông tư 42/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Theo đó, tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm bằng tổng tiền lương tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định của từng năm nhân với mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng. Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của các năm 2012; 2013; 2014; 2015; 2016 và 2017 lần lượt là 1,15; 1,08; 1,03; 1,03; 1,00 và 1,00.
Thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm được xác định bằng tổng thu nhập tháng đóng BHXH của từng năm nhân với mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng. Trong đó, mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của các năm 2008; 2009; 2010; 2011; 2012; 2013; 2014; 2015; 2016 và 2017 là 1,73; 1,62; 1,48; 1,25; 1,15; 1, 08; 1, 03; 1, 03; 1,00 và 1,00.
Các nội dung quy định Thông tư này được áp dụng kể từ ngày 01.01.2017.
Từ 01/02/2017, thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài
Ngày 22/11/2016, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Theo Nghị quyết, từ ngày 01/02/2017, sẽ thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong 2 năm. Thị thực điện tử được cấp qua hệ thống giao dịch điện tử, có giá trị nhập cảnh 1 lần với thời hạn không quá 30 ngày; người đề nghị cấp thị thực điện tử phải nộp phí cấp thị thực qua tài khoản ngân hàng; trường hợp không được cấp, phí cấp thị thực không được hoàn trả lại.
Hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự
Theo Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH, thanh niên có nhu cầu đào tạo nghề sơ cấp trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội; chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách Nhà nước kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, được cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ đào tạo nghề sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp; hỗ trợ tiền ăn, đi lại theo quy định tại Thông tư số 152/2016/TT-BTC.
Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại vượt quá giá trị tối đa của thẻ, người học phải tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong thời gian đào tạo nghề, nếu thanh niên thôi học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ lập biên bản hoặc ban hành quyết định và được quyết toán chi phí hỗ trợ đào tạo và hỗ trợ tiền ăn kể từ ngày khai giảng đến ngày thanh niên đó thôi học.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12.02.2017; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề với thanh niên đăng ký tham gia đào tạo nghề được áp dụng từ ngày 01.09.2015.
Từ 15.2, KD trò chơi điện tử có thưởng phải có vốn từ 200 tỷ
Từ ngày 15.02.2017, để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu là 200 tỷ đồng; đồng thời phải đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập, hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch và đăng ký kinh doanh ngành, nghề trò chơi điện tử có thưởng theo quy định.
Đây là nội dung mới đáng chú ý tại Nghị định 175/2016/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/02/2017.
Một nội dung đáng chú ý khác là quy định chỉ những doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong đó có hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng trước ngày 15/02/2017 mới được quảng cáo hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng. Đặc biệt, chỉ được quảng cáo dưới hình thức bảng, biển hiệu đặt bên trong cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhưng phải đảm bảo người bên ngoài không nghe được, không nhìn thấy được nội dung quảng cáo.
Về mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài, Nghị định quy định, mức phạt tiền từ 90 triệu đồng – 100 triệu đồng được áp dụng với cá nhân kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; phạt tiền từ 180 triệu đồng – 200 triệu đồng với doanh nghiệp tổ chức kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng không đúng địa điểm được cơ quan có thẩm quyền cấp phép kinh doanh; với doanh nghiệp kinh doanh máy trò chơi điện tử có thưởng không đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật, mức phạt tiền dao động từ 90 triệu đồng – 100 triệu đồng.
Được gửi đơn khởi kiện, chứng cứ tố tụng dân sự qua Internet
Ngày 30.12.2016, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP, quy định người khởi kiện, người tham gia tố tụng dân sự, tố tụng hành chính được lựa chọn giao dịch điện tử với Tòa án theo hình thức gửi và nhận thông điệp dữ liệu điện tử với Tòa án hoặc chỉ nhận thông điệp dữ liệu điện tử do Tòa án cấp, tống đạt, thông báo; thời gian thực hiện các giao dịch điện tử trong tố tụng là 24/7, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ và ngày Tết.
Về việc gửi tài liệu, chứng cứ bằng phương tiện điện tử, Nghị quyết cho phép người khởi kiện, người tham gia tố tụng gửi tài liệu, chứng cứ qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án; đồng thời, phải nộp bản chính hoặc bản sao hợp pháp tài liệu, chứng cứ đó chậm nhất là tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2017.
Bảng kết quả học tập của HS tiểu học phải được bảo quản 20 năm
Có hiệu lực từ ngày 15.02.2017, Thông tư 27/2016/TT-BGDĐT quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của ngành giáo dục là khoảng thời gian cần thiết để lưu giữ hồ sơ, tài liệu tính từ năm công việc kết thúc; gồm 2 mức bảo quản vĩnh viễn và bảo quản có thời hạn.
Trong đó, bảo quản vĩnh viễn được áp dụng với: Hồ sơ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các định hướng, phương hướng, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; Hồ sơ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các chiến lược, quy hoạch vùng trọng điểm về giáo dục và đào tạo; Báo cáo đánh giá, tổng hợp giáo dục các cấp học cả nước qua từng thời kỳ và năm học; Số liệu thống kê giáo dục hàng năm, nhiều năm…
Thời hạn bảo quản 20 năm được áp dụng với bảng tổng hợp kết quả học tập, rèn luyện của học sinh tiểu học; hồ sơ kiểm tra các hoạt động giáo dục và đào tạo; danh sách học viên được xác nhận biết chữ và học viên được xác nhận hoàn thành chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; hồ sơ lưu học sinh nước ngoài vào học tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam…