Theo Telegraph, kẻ gian đang thực hiện hình thức lừa đảo mới với câu hỏi nhằm mục đích nhận câu trả lời “Có” đến từ nạn nhân. Trong quá trình tiếp nhận câu trả lời, kẻ gian sẽ thu âm lại lời nói của nạn nhân để ủy quyền cho các tác vụ thực hiện thanh toán hóa đơn bằng tên của nạn nhân ở những dịch vụ sử dụng xác nhận bằng lời nói.
Giám đốc Liên đoàn bảo vệ người tiêu dùng Mỹ – Susan Grant nói với CBS News rằng khi mọi người trả lời “Có”, giọng nói sẽ được kẻ gian thu âm lại và điều đó có nghĩa bạn đã đồng ý với một điều gì đó.
Bà Susan kêu gọi mọi người chỉ đơn giản là đặt điện thoại xuống khi gặp một câu hỏi tương tự như vậy đến từ số điện thoại lạ. Theo bà Susan, điều này được xem là một cách làm tốt để chống lại hình thức tấn công mới.
Vấn đề là hình thức lừa đảo này đang bắt đầu có dấu hiệu lan rộng, không chỉ ở Mỹ, Anh mà hiện tại nó đã xuất hiện tại Úc. Mặc dù điều này đã được cảnh báo nhiều nhưng hầu hết mọi người vẫn sập bẫy, nhất là khi kẻ gian thực hiện đi thực hiện lại nhiều câu hỏi. Vì vậy tốt nhất hãy dập máy xuống nếu thấy nghi ngờ, nhất là với những số điện thoại lạ.
Tình trạng lừa đảo qua điện thoại diễn ra ngày càng nhiều. Ở Việt Nam cũng nhiều trường hợp “mất tiền oan” chỉ vì một cuộc điện thoại.
Mới đây, công an huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai nhận được đơn khiếu nại của không N.V.P (44 tuổi, ngụ ở ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung) về việc ông bị kẻ xấu giả mạo công an lừa ông chuyển 500 triệu vào tài khoản ngân hàng cho chúng.
Theo trình báo của ông P thì vào một buổi sáng đầu tháng 10, điện thoại bàn nhà ông đổ chuông. Khi nhấc điện thoại lên thì ông ngheo tiếng còi hụ của xe cảnh sát. Sau đó, một người đàn ông bên kia đầu dây tự xưng là cán bộ thuộc Bộ Công an đang điều tra về một vụ án ma túy mà ông P có liên quan. “Cán bộ” này cho biết nhóm tội phạm vừa bị bắt giữ khai rằng họ đã chuyển cho ông P một số tiền rất lớn để rửa tiền. Vì thế, ông P phải cung cấp đầy đủ thông tin của các thành viên còn lại trong gia đình để cơ quan chức năng tiếp tục điều tra. Đồng thời, ông P phải chuyển 500 triệu đồng vào số tài khoản do “cán bộ” chỉ định để “xác minh nguồn tiền”. Sau đó, nếu ông P không liên quan đến vụ án thì cơ quan điều tra sẽ chuyển trả lại số tiền đó cho ông. Nếu ông P không chấp hành thì sẽ bị bắt giam.
Vì lo sợ khi bị hù dọa, ông P nhanh chóng gom hết số tiền gia đình vừa được đền bù đất đai và đi mượn thêm của người thân cho đủ 500 triệu để chuyển vào số tài khoản đã được hướng dẫn. Chiều cùng ngày, ông kể lại câu chuyện trên thì nhiều người cho biết họ đã từng nghe nói rất nhiều về hành vi này của bọn lừa đảo. Lúc này, ông P vội chạy ra ngân hàng để phong tỏa tài khoản nhưng đã muộn! Toàn bộ số tiền ông vừa gửi đi đã bị rút sạch.
Một trường hợp khác cũng xảy ra ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai là của bà T.T.D (40 tuổi, ngụ ấp Lê Lợi 2, xã Quang Trung). Bà D cho biết lúc 8h30 ngày 6-10, bà cũng nhận được một cuộc điện thoại của người đàn ông tự xưng là cán bộ công an tỉnh Đổng Nai. Người này báo cho bà D biết là đội đặc nhiệm của ông đang truy bắt một số đối tượng liên quan đến vụ án ma túy lớn và có liên quan đến bà D. Ông ta còn nói hiện tại tài khoản của bà D đang có 200 triệu đồng do bọn tội phạm chuyển vào. Nếu bà D muốn chứng minh mình vô tội thì hãy chuyển trả lại cơ quan điều tra 200 triệu đồng. Sau đó, nếu trong quá trình điều tra xác nhận bà D thực sự không có liên quan thì cơ quan điều tra sẽ chuyển trả lại toàn bộ số tiền trên.
Bà D nghe theo lời hướng dẫn nên liền đến ngân hàng rút 200 triệu trong tài khoản rồi về kể lại cho người nhà nghe thì tá hỏa biết rằng mình đã bị lừa. Bà D chạy đến ngân hàng phong tỏa tài khoản. Rất may là bọn lừa đảo chưa kịp rút tiền nên bà D may mắn lấy lại được toàn bộ số tiền đã gởi đi.
Liên quan đến những vụ việc trên, công an huyện Thống Nhất đã cử cán bộ đến ngân hàng, bưu điện để xác minh số điện thoại và số tài khoản của bọn lừa đảo.
Theo đó, Trung tá Đoàn Khả Hưng, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an H.Thống Nhất cho biết: “Số điện thoại gọi đến đều có xuất phát từ nước ngoài. Còn số tài khoản, qua xác minh thông tin cá nhân chủ tài khoản thì ở Ninh Bình và Bắc Giang. Khi chúng tôi liên lạc thì được chủ tài khoản cho biết, thẻ ATM của họ đã bị mất 3 -4 tháng trước đó. Điều này khiến công tác điều tra phá án gặp rất nhiều khó khăn”.
Trung tá Hưng khuyến cáo: “Thủ đoạn trên không mới vì đã xảy ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước và báo chí liên tục phản ánh để người dân cảnh giác nhưng không hiểu sao chiêu thức lừa đảo kiểu này vẫn hoạt động được. Để tránh mắc bẫy của bọn lừa đảo, người dân cần nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền cho bọn chúng khi chưa có kết luận cụ thể. Mỗi khi cơ quan công an, muốn bắt ai, thì họ phải có lệnh bắt và không bao giờ có việc hù dọa để bắt nạn nhân chuyển tiền. Khi phát hiện lừa đảo thì báo ngay cho cơ quan chức năng biết để kịp thời xử lý”