Lễ Phật Đản là gì?
Lễ Phật Đản là lễ lớn trong năm của Phật giáo, là ngày Đức Phật ra đời. Ngày lễ được tổ chức nhằm tôn vinh, kính ngưỡng những công đức lớn lao mà Đức phật mang đến, đồng thời cảnh tỉnh tâm hồn, nhắc nhở chúng sinh theo con đường chân chính của nhà Phật.
Lễ Phật Đản, Lễ Phật Thành Đạo và Lễ Phật Nhập Niết Bàn gọi chung là Lễ tam Hợp, còn gọi là đại lễ Vesak. Đây là ba dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời hành đạo của Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi Ngài ra đời cho tới khi Phật quang chiếu tỏa khắp nơi, độ hóa chúng sinh, để lại sự nghiệp vô giá về tôn giáo.
Lễ Phật Đản năm 2017 được tổ chức long trọng trong sắp các chùa chiền với những nghi thức trang nghiêm, mang lòng thành kính sâu sắc, thấm nhuần tư tưởng của nhà Phật. Tất cả phật tử và những người hướng Phật đều tham gia lễ, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Thành Hội Phật giáo Việt Nam.
Người tham gia Đại lễ tuyệt đối hướng tới điều thiện, không sát sinh, ăn chay, thực hiện những điều lành mà nhà Phật răn dạy. Người thờ Phật tại gia sẽ dọn dẹp nhà cửa, bày trí lại ban thờ gọn gàng, đẹp mắt, tổ chức lễ cúng tại nhà. Người có tâm tới chùa tham gia lễ cúng sẽ góp công để chuẩn bị lễ, quét dọn sân chùa và dâng lễ, làm công quả, cúng dường tam bảo
Một nghi lễ không thể thiếu trong lễ Phật Đản là tắm Phật. Khi Ngài sinh ra có chín con rồng tới phun hai dòng nước ấm lạnh để tắm rửa, chư tiên cùng tung hoa vui mừng, tấu nhạc rộn ràng. Vì thế, hàng năm đến ngày Phật Đản sinh chúng Phật tử sẽ dùng nghi thức tắm Phật để diễn biến lại lúc Đức Phật sinh ra đời.
Người tham dự lễ không chỉ kính Phật, tin Phật mà còn phải mang trong mình tâm niệm thanh thản, rũ bỏ mọi muộn phiền, hướng tới những điều mới mẻ, tốt lành, an nhiên. Nếu mang tâm không tịnh tới làm lễ, không biết mở lòng hướng thiện, chăm chú nghe giảng Pháp và thấm nhuần những tư tưởng Phật thì chỉ phí hoài, hình thức dẫu đủ cũng không có tác dụng gì.
Bước vào cửa chùa nên để mọi bon chen ở lại, chỉ mang tâm hồn thanh sạch nhất, thuần khiết nhất vào và sẵn lòng mở ra để thẩm thấu điều lành.
Những lưu ý khi lên chùa
Trang phục
Ăn mặc gọn gàng, kín đáo, không mặc đồ ngủ, váy hở hang…
Sắm sửa lễ vật
Khi đến dâng hương ở các chùa nên sắm các lễ chay như: hương, hoa tươi, quả chín, oản, xôi, chè… Không đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện tức là chính điện, tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa. Trên hương án của chính điện chỉ được dâng đặt lễ chay, tịnh. Việc sắm sửa lễ mặn như cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt gà, giò, chả… chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Đức Ông, Thánh, Mẫu và chỉ dâng đặt tại ban thờ hay điện thờ mà thôi.
Không dâng hoa tạp, hoa dại, chỉ dâng hoa tươi…
Nguyên tắc ra, vào
Khi đi qua cổng tam quan vào chùa nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Cửa Trung quan chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng đi vào chùa và đi ra cũng theo cửa này. Sau đó, du khách có thể gặp sư trụ trì, sở dĩ là vì Chùa do sư trụ trì cai quản, có sư, tăng ni, chùa mới được giữ gìn và Đạo Phật mới được truyền lưu nên khi vào chùa phải theo lệ.
Cầu nguyện
Không cầu tài lộc, chỉ cầu bình an…
Xưng hô
Với nhà sư thì xưng là A di đà Phật, bạch thầy,… và xưng mình là con. Xưng hô như vậy tức là nhìn thấy tăng mà tưởng nhớ thầy Thích Ca Mâu Ni, mình xưng hô như vậy là đang xưng hô với Đức Thích Ca. Nếu nhà sư đó là thầy hướng dẫn mình tu tập thì xưng hô là thầy thì ngoài ý nghĩa trên còn mang nghĩa là thầy dạy học đạo.