Theo Medium, Ashley Mears, giáo sư xã hội học tại Đại học Boston (Mỹ) đồng thời là một cựu người mẫu, cho biết từ năm 2000 đến 2010, có đến 47% các người mẫu sải bước tại 4 tuần lễ thời trang lớn trên thế giới chỉ được xuất hiện mỗi một lần duy nhất.
Bà viết trên trang web của trường đại học: “Tại công ty tôi từng được đào tạo, khoản thu nhập từ công ty trung bình nằm khoảng dưới 60.000 USD một năm, nhưng khoản thu nhập đó vô cùng bấp bênh, chỉ tăng rộ lên trong khoảng thời gian rất ngắn”.
“Theo công ty ước tính, sự nghiệp của một người mẫu thời trang cao cấp chỉ kéo dài tối đa được 5 năm. Điều này khiến cho 20% các người mẫu ở cùng công ty đó thật sự lâm vào cảnh nợ nần vì khoản chi phí họ bỏ ra để bắt đầu sự nghiệp, như tiền chụp các bộ ảnh hay thậm chí là chiếc vé máy bay để đi đến New York”, bà cho biết.
Sàn catwalk tàn khốc
Sàn catwalk từng là nơi được xem như hào quang tột đỉnh, nơi các người mẫu nhận được một danh xưng mỹ miều là “siêu mẫu”, và gặt hái được vô số thành công cùng tiền tài, danh vọng. Nhưng cũng chính sàn diễn ấy, nay đã trở nên tàn khốc hơn bao giờ hết.
Liệu người mẫu có vì thế mà dừng chân lại không? Đối với Binx Walton, người mẫu 19 tuổi từng trình diễn tại show của Chanel, câu trả lời là không.
Walton bắt đầu sự nghiệp trên sàn catwalk với show diễn Marc Jacobs vào năm 2013. Cô sớm được chọn lựa tham gia hàng loạt chiến dịch thời trang ở Céline, Balmain và Coach.
Trong tháng thời trang diễn ra vào tháng 9 vừa qua, cô đã sải bước trên sàn diễn của Bottega Veneta, Roberto Cavalli, Versace, Loewe, Céline, Stella McCartney, Chanel, Valentino và Miu Miu.
Có thể nói, Binx đang ở trong thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp làm mẫu. Nhưng đỉnh cao ấy thật lẻ loi vô cùng. “Gần đây, các nhà thiết kế thường có xu hướng tìm đến các gương mặt mới hơn. Vì thế, quanh tôi các bạn bè đều đã rời đi hết,” cô than thở.
“Tôi thương cảm cho các cô gái mới. Những mùa diễn đầu tiên và thứ hai chính là điều tồi tệ nhất trong cuộc đời của tôi. Nó giống như việc chuyển đến ngôi trường mới vậy – tôi không gặp được nhiều người tôi có thể tin tưởng”, Walton tâm sự.
Trải qua 3 năm và 6 mùa thời trang, giờ đây, Walton đã tự xem mình như người mẫu lão làng. “Những gương mặt mới này – 16 tuổi và vừa học xong trung học – thường chỉ được dùng trong khoảng 2 mùa mốt. Rất nhiều người trong số họ không phát triển được nữa. Dù có bước sang tuổi 20-24, họ vẫn y như vậy. Họ đã bị chặn khỏi việc phát triển lên”.
Khi tiếp tục cuộc trò chuyện cùng Telegraph, Binx dần cởi mở hơn về cuộc sống cá nhân, về thành công của cô và cuộc sống gia đình.
“Món đồ đắt nhất tôi từng mua ư? Tôi mua cho mẹ một chiếc xe hơi. Còn lại, tôi sống cùng một người mẫu khác, Lexi, ở New York, trong một căn hộ chỉ chứa chiếc ghế bành khổng lồ màu nâu. Bạn không cần phải sống quá hào nhoáng làm gì. Điều đó chỉ khiến cái tôi của bạn to lớn hơn mà thôi”.
Nghịch lý trong đời sống người mẫu
Lẽ dĩ nhiên, Binx may mắn. Nhưng các trường hợp như Binx có lẽ chỉ là một trong số hàng triệu người. Ngày càng ít người mẫu có thể làm điều đó. Càng ít người mẫu hơn có thể giữ cho tên tuổi của mình được kéo dài và ổn định.
Có một thực tế khá phũ phàng trong thế giới thời trang là trong khi Kate Moss và Gisele Bundchen vẫn thu về nhiều triệu USD và ra giá đến hàng ngàn USD cho mỗi lần sải bước, hầu hết các người mẫu khác vẫn phải làm việc với cái giá rẻ mạt mà không có gì đảm bảo sẽ được kéo dài lâu.
Một phần trong điều này đến từ thực tế rằng sàn diễn thời trang, nơi từng là miền đất hứa dành cho các siêu mẫu, nay đã không còn là bàn đạp cho sự nghiệp làm mẫu. Nhiều người trong số đó đã giật mình thảng thốt mỗi cuối mùa thời trang, khi nhẩm tính lại toàn bộ chi phí và nhận ra khoản nợ của bản thân.
20 năm trước, Linda Evangelista và Christy Turlington có thể yêu cầu đến 30.000 USD cho một show diễn. Nhưng giờ đây, mỗi người mẫu chỉ có thể kiếm được 300 USD, hay thậm chí là được trả bằng món đồ họ mặc cho show mà họ diễn.
Binx nặng nề nhìn quanh và rút ra kết luận: “Gương mặt mới, gương mặt mới, gương mặt mới xuất hiện ở khắp nơi, khắp các mùa thời trang và bạn phải chấp nhận điều đó. Bạn không tin sao? Vâng, đó là vì bạn không ở trong nền công nghiệp này. Bạn sẽ sớm bị quăng đi như mẩu tăm dùng rồi. Chỉ đơn giản thế thôi”.
Cô thở dài nói tiếp: “Bạn không cần phải tin vào mọi thứ, nhưng đấu tranh thì sao? Bạn cần nhớ: thế giới thời trang luôn to lớn hơn bạn”.
Cơ hội nào dành cho người mẫu mới?
Có thể nói, chưa bao giờ như lúc này, các nhà thiết kế và casting director lại ưa thích gương mặt mới đến vậy. Amanda Bretherton, người đứng đầu công ty người mẫu Next Models London, cho biết: “Đầu tiên, các nhà thiết kế đã quyết định nên khôn ngoan hơn khi dùng tiền của họ, để không bỏ chi phí quá lớn để thuê về siêu mẫu”.
“Thứ hai chính là mong muốn không để người mẫu chiếm hết sự chú ý của người xem thay cho chính bộ đồ. Nếu họ có thể chọn được những cô gái trông hao hao giống nhau, họ có thể tạo ra những hình ảnh tương đồng, mà nhờ đó bộ phục trang sẽ nổi bật hơn hẳn”.
Karlie Kloss, một trong những người mẫu hàng đầu trên thế giới, cũng thừa nhận sự thật trên trong cuộc phỏng vấn với Vanity Fair. Cô cho biết ngày càng nhiều nhà mốt khẳng định rằng cô đã “quá nổi tiếng” đến nỗi sự xuất hiện của cô trên sàn catwalk cũng đồng nghĩa với việc không ai chú ý đến đồ của họ nữa.
Chính vì thế, việc nói những người mẫu ngày nay không chỉ cần tập trung cho sự nghiệp, mà còn phải năng hoạt động trên trang mạng xã hội. Như Bretherton đã chỉ ra, những người mẫu ngày nay không chỉ phải thống lĩnh sàn diễn, mà còn phải làm chủ trên truyền thông xã hội, các chiến dịch quảng bá và hình ảnh thời trang.
Từ khả năng trình diễn, thu hút sự chú ý hay có ảnh hưởng lớn trên trang mạng xã hội, họ phải làm nhiều hơn nữa để trở nên hấp dẫn hơn trước mắt casting director.
Mếu bạn thấy bất cứ người mẫu nào đang cố gắng tô bóng hình tượng cá nhân, thì đa phần đó đều là kế hoạch. Có thể hiểu được hiện tượng này qua các ngôi sao từ truyền hình thực tế như Gigi Hadid và Kendall Jenner, đã và đang gặt hái nhiều thành công trên thế giới thời trang hơn nhiều so với các người mẫu khác.
Song những người mẫu tạm gọi là “lớn” đó, cũng như các người mẫu hàng đầu của thế giới thời trang, vẫn đang phải cạnh tranh gay gắt để có được một vị trí diễn show.
Với hơn 40 triệu người theo dõi trên Instagram, không khó để thấy được sức ảnh hưởng của Kendall hay Gigi Hadid. Hiện tượng đó đã tạo nên những tiền đề mới cho công ty quản lý, để giao dịch với các nhà mốt lớn về chi phí hình ảnh đăng lên Instagram theo từng chiếc dịch người mẫu ấy góp mặt.
Song điều đó cũng vẫn không kéo dài: Cara Delevingne, người hiếm hoi đạt danh xưng siêu mẫu trong thập niên gần đây, ngày càng ít xuất hiện trên sàn diễn thời trang, để rồi cuối cùng phải nói lời từ giã sàn catwalk để tập trung cho sự nghiệp diễn xuất.
Có phải chăng đã qua rồi thời đại của siêu mẫu? Carole White, CEO và người sáng lập công ty người mẫu Premier, nơi gắn với những cái tên huyền thoại như Naomi Campbell, Linda Evangelista và Christy Turlington, đồng ý với điều đó.
“Tôi cho là sẽ không bao giờ có thế hệ siêu mẫu mới được như những gì từng xuất hiện vào những năm 90. Vẫn có những cô gái có tên tuổi trong thế giới thời trang, nhưng siêu mẫu phải là những cái tên mà bất kỳ người nào trên phố cũng có thể biết được”.
Những nỗ lực không thành
Chính vì thế, bên trong thế giới thời trang xa hoa và phù phiếm lại là một thực tế tối tăm và phũ phàng hơn rất nhiều của người mẫu thời trang. Thu nhập của họ chỉ nằm khoảng 26.000 USD một năm – thấp hơn cả mức thu nhập trung bình ở Mỹ.
Đó là chưa kể đến hàng loạt hiểm họa về vấn nạn nhịn ăn, lao động trẻ em, lạm dụng tình dục và môi trường làm việc khắt khe trong nhiều tiếng đồng hồ mà không được trả công.
Năm 2012, Sara Ziff, người mẫu từng xuất hiện trong chiến dịch quảng bá của Tommy Hilfiger, đã sáng lập ra The Model Alliance, một tổ chức nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho người mẫu trong nền công nghiệp thời trang vốn không bị quản lý chặt.
Triết lý hoạt động của tổ chức chính là để giúp người mẫu có nhiều quyền hơn và yêu cầu sự đối xử công bằng từ công ty quản lý lẫn khách hàng. Tuy nhiên, trong khi Ziff đã thu hút được sự ủng hộ của các người mẫu lớn như Coco Rocha và Milla Jovovich, phần lớn những người khác lại có phản ứng khá mâu thuẫn đối với tổ chức này.
Ziff nói với Mashable: “Việc quản lý tổ chức rất khó khăn. Các người mẫu thường trẻ và là người ngoại quốc, không thường xuyên sống ở đây. Khả năng họ bị thay thế luôn diễn ra, và vì thế các công ty quản lý thường giữ kín những hồ sơ của họ”.
Cuối cùng, Ziff hy vọng Model Alliance có thể là một tiếng nói chung, một cách để người mẫu cùng nhau chống lại sự lạm quyền của công ty quản lý cũng như các khách hàng mà không e sợ các hình thức trả thù.
Cho đến nay, chiến thắng lớn nhất của Model Alliance chính là thuyết phục được các nhà lập pháp New York đưa người mẫu vào luật lao động trẻ em. Theo một cuộc khảo sát do Model Alliance thực hiện, 54,7% người mẫu bắt đầu làm việc từ 13 đến 16 tuổi, và cho đến khi dự luật được thông qua vào tháng 11 năm 2013, các người mẫu hoàn toàn không có sự bảo vệ pháp lý nào ở những nơi làm việc.
Được hỗ trợ bởi các thượng nghị sĩ bang New York – Jeffrey Klein và Diane Savino – luật hạn chế sử dụng các người mẫu chưa đủ tuổi cho phép đã được thông qua. Luật yêu cầu người mẫu phải sở hữu giấy phép hoạt động để trình diễn catwalk, đồng thời buộc công ty quản lý phải đưa người đi kèm bất cứ người mẫu nào nhỏ hơn 16 tuổi.
Nỗ lực là thế, song những công sức của Model Alliance vẫn không hoàn toàn được đáp lại. Vào năm 2012, sau khi được yêu cầu không sử dụng người mẫu ở tuổi vị thành niên trong Tuần lễ thời trang New York, nhà thiết kế Marc Jacobs vẫn bị phát hiện đã thuê hai người mẫu ở tuổi 14 và 15 cho show diễn Thu Đông.
Trả lời báo New York Times, Marc Jacobs cho biết: “Tôi thực hiện show diễn theo cách của tôi. Nếu cha mẹ chúng sẵn sàng để chúng sải bước trong show diễn, thì tôi không thấy có bất cứ lý do gì để bác bỏ chúng cả”.
Hiểm nguy khôn cùng trong thế giới thời trang
Ngoài vấn nạn về lao động trẻ em, Model Alliance còn giải quyết các vấn đề khác của người mẫu như sự rối loạn ăn uống và việc bị lạm dụng tình dục. Cũng theo cuộc khảo sát do Model Alliance thực hiện, 64% người mẫu bị công ty quản lý bắt buộc phải giảm cân, 30% tiết lộ bị lạm dụng tình dục, và 28% khẳng định họ bị ép phải quan hệ tình dục.
Ở Florida, hàng loạt phụ nữ trẻ đã tuyệt vọng với sự nghiệp người mẫu đến mức họ trở thành nạn nhân của việc bị lạm dụng, thậm chí bị ép dùng các chất ma tuý để đóng phim khiêu dâm.
“Khi bạn là một siêu mẫu như Giselle Bundchen hay Christy Turlington, bạn sẽ được đối xử như vua chúa. Nhưng 99% số người mẫu còn lại bị xem như rác rưởi.” Carolyn Kramer, cựu lãnh đạo một công ty người mẫu cho biết.
Đối với đa số người mẫu, các tuần lễ thời trang có thể là tất cả mọi thứ, trừ khả năng kiếm tiền. Nếu cố gắng tối đa, họ có thể rời đi với vài nghìn USD trong túi. Nhưng thực tế, nếu chỉ được chọn xuất hiện trong một vài show diễn, họ sẽ phải chi trả hết toàn bộ chi phí để di chuyển, đi lại và sinh sống trong suốt vài tuần liền.
Tại đó, họ lại phải tham dự hàng loạt buổi casting (không lương), thử đồ (không lương), tiệc tùng (không lương) và trình diễn (nơi cuối cùng họ có thể kiếm được khoảng vài trăm USD). Vì vậy mà không hề ngạc nhiên khi phần lớn người mẫu sẽ phải rời New York trong tình trạng nợ nần.
Tình trạng trên cũng không khá khẩm hơn đối với những người mẫu được công ty dẫn dắt. Các công ty ban đầu sẽ chi trả mọi chi phí cho người mẫu họ đã ký hợp đồng. Tuy nhiên, mọi chi phí ấy từ ăn ở, đi lại sẽ đều được tính tới.
Cho đến một ngày các người mẫu nhận ra nợ của họ ngày càng chồng chất. Khoản nợ ấy sẽ trở thành đòn bẩy khiến các công ty cố gắng gửi người mẫu đi xa, để bắt họ hoàn thành những điều không mong muốn.
Theo cuộc điều tra của Blake Ellis và Melanie Hicken tại CNN Money, hầu hết các người mẫu đều trải qua cùng tình trạng giống nhau: tiền lương bị lấy cắp; nạn quấy rối tình dục; nhiều tháng không có lương; các khoản phí khổng lồ vượt qua nhiều so với mức thu nhập; và không được một ai (từ cơ quan quản lý) xuất hiện để giúp đỡ.
Mặc dù các vấn nạn trong nền công nghiệp thời trang thường trở nên bùng nổ bởi những vụ rối loạn về ăn uống, lạm dụng rượu và ma túy cũng như các báo cáo về xâm hại tình dục, các vấn đề thực sự của thế giới người mẫu còn vượt xa hơn thế.
Từ bản phân tích về tình trạng tài chính, hàng chục cuộc phỏng vấn với người mẫu và các cựu người mẫu, luật sư, chuyên gia quyền lao động, thậm chí cả cựu lãnh đạo điều hành các công ty người mẫu, cuộc điều tra của CNN Money đã chỉ ra rằng thế giới thời trang thường xử lý các người mẫu theo những cách chưa từng được biết đến trong các ngành công nghiệp khác.
Và do thiếu các quy định cần thiết, những hoạt động lạm dụng hay bóc lột ấy hoàn toàn có thể được xem là hợp pháp.
“Đây không phải một thế giới dễ dàng, và bạn sẽ không hề có cuộc đời phù hoa đâu,” Emily Fox, người đã bắt đầu làm người mẫu khi mới 16 tuổi, đã xuất hiện trên tạp chí Vogue Italia và sải bước trên sàn diễn khắp thế giới, cho biết.
Giờ đây, khi đã hơn 25 tuổi và vẫn làm việc trong thế giới người mẫu, Fox cho biết mỗi năm cô kiếm được khoản thu nhập ít hơn 20.000 USD trước thuế. “Bạn sẽ phải thực sự đối chọi với mọi thứ. Và bạn sẽ rất nghèo”.