Tốc độ ăn, thời gian ăn và thói quen ăn là yếu tố liên quan đến thừa cân, béo phì
Các nhà nghiên cứu Nhật đã tiến hành khảo sát và theo dõi gần 60.000 bệnh nhân Nhật mắc bệnh tiểu đường, quan sát các thói quen của họ và phân tích đề tài nghiên cứu về “Ảnh hưởng của việc thay đổi lối sống đối với bệnh béo phì”.
Theo tiêu chuẩn chung mà các nhà khoa học Nhật Bản xem xét, chỉ số cơ thể BMI lớn hơn 25 được xem là béo phì, trong khi tiêu chuẩn của Mỹ là BMI giữa 25 và 30 được xem là thừa cân, và trên 30 mới được xem là béo phì do sự khác biệt về chủng người.
Họ đã phân tích dữ liệu sức khoẻ của người tham gia từ năm 2008 đến năm 2013, bao gồm kiểm tra sức khoẻ định kỳ, chỉ số cơ thể và đo vòng eo.
Bệnh nhân thường xuyên báo cáo về thói quen cuộc sống của họ, bao gồm chế độ ăn uống và ngủ nghỉ, cũng như thói quen uống rượu và hút thuốc, và thậm chí cả chỉ số tốc độ ăn uống – được chia thành 3 mức là ăn nhanh, bình thường và chậm.
Kết quả, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, có 3 yếu tố nổi bật nhất là tốc độ ăn, thời gian ăn vặt và thói quen ăn trước khi ngủ được xem là những nguyên nhân quan trọng gây ra chứng béo phì.
Số liệu thống kê trong nghiên cứu cho thấy, khoảng 1/3 số người được nghiên cứu, tức là khoảng 22.000 người nói rằng họ thường ăn nhanh, và 33.000 người khác nói họ ăn ở tốc độ bình thường, và chỉ có 4.190 người ăn chậm.
Sau khi loại trừ các yếu tố khác, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người ăn ở tốc độ bình thường có nguy cơ béo phì thấp hơn 29% so với những người ăn nhanh, trong khi những người ăn chậm lại thì kết quả càng rõ ràng hơn khi khả năng bị béo phì giảm 42%.
Đặc biệt đối với chỉ số vòng eo, sự khác biệt của số đo vòng eo giữa người ăn nhanh và người ăn tốc độ bình thường có sự khác biệt rõ ràng so với nhóm người có tốc độ ăn nhanh.
“Khi bạn có xu hướng ăn nhanh, bạn có thể bỏ lỡ cảm giác đã ăn no và tiếp tục ăn nhiều hơn, trong khi những người có thói quen ăn chậm có thể sẽ quan tâm đến phản ứng của cơ thể, đồng thời nhóm người này cũng thường điều tiết việc chọn lựa thức ăn trong khi ăn và ăn uống hợp lý hơn”.
– Nina Crowley, chuyên gia dinh dưỡng trường Đại học Y khoa Đại học Nam California, Mỹ nói trên kênh CBS News.
Trên thực tế, phương pháp chăm sóc sức khoẻ cổ đại cũng đã từng khuyên nhiều về giải pháp ăn chậm nhai kỹ. Trong triều đại nhà Đường, vị danh y nổi tiếng Tôn Tư Mạc đã đề xuất trong cuốn “Thiên Kim Yếu Phương” rằng ăn uống nên chọn cách ăn nóng ấm và ăn chậm, để cho cơm và thức ăn vào bụng. Thái độ ăn nên chậm rãi ung dung, nhai kỹ, nuốt chậm.
Tác giả nổi tiếng thời nhà Thanh (TQ) thì nhấn mạnh trong cuốn sách ” Dưỡng Bệnh dung ngôn” rằng, cho dù là cơm hay cháo, đồ ăn nhẹ, thì cách ăn tốt nhất đều là ăn chậm, nhai kỹ.
Ăn theo cách này không chỉ có lợi cho việc tiết các loại nước dịch vào đường tiêu hóa một cách đầy đủ và thuận lợi, mà còn có thể dễ dàng tiêu hóa và hấp thụ. Đây cũng là cách có thể giúp chúng ta tránh ăn quá nhiều, từ đó mang lại hiệu quả bảo vệ dạ dày.
Trong trường hợp không kiểm soát được cảm giác thèm ăn, ăn uống dựa trên sự thèm ăn có thể làm tăng gánh nặng lên dạ dày và dễ bị các phản ứng bất lợi kèm theo như nghẹn, ho và khó nuốt.
Ngoài ra, cách tiếp theo là không nên ăn đồ ăn nhẹ sau bữa tối và tránh ăn uống trong vòng hai giờ trước giờ đi ngủ. Đây là cách hiệu quả để duy trì trọng lượng cơ thể nhẹ nhõm hơn và giảm nguy cơ mắc bệnh về hội chứng chuyển hóa.
Tuy nhiên, nghiên cứu không tìm thấy thói quen cuộc sống khác như ăn sáng hoặc bỏ bữa sáng, và thời gian ngủ có ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể.
Tổng kết lại, phát triển 3 thói quen sau đây sẽ có hiệu quả giúp giảm béo và giảm vòng bụng:
1. Ăn chậm và nhai kỹ, nuốt chậm
2. Không sử dụng thêm đồ ăn nhẹ sau bữa tối
3. Không ăn trong vòng hai giờ trước khi đi ngủ
Các kết quả của nghiên cứu này đã được công bố trên Tạp chí Y học Anh (BMJ Open).