Stress là nỗi ám ảnh của rất nhiều bạn trẻ vì nó không những gây tổn thương tới thể chất và tinh thần mà còn khiến ngoại hình của chúng ta “xuống cấp” trầm trọng. Sức khỏe bên trong và ngoại hình của con người có mối liên hệ mật thiết. Khi sức khỏe bị đe dọa, nó sẽ thể hiện qua các dấu hiệu bên ngoài. Nếu cơ thể chịu nhiều tổn thương vì stress, ngoại hình của bạn sẽ phản ánh những điều này. Bạn có thể nhận thấy tác hại của nó thông qua sự thay đổi của mái tóc, làn da… qua những dấu hiệu sau đây.
Bọng mắt thâm quầng
Stress là thủ phạm khiến bạn mất ngủ. Kết quả là bạn sẽ thức dậy với bọng mắt sưng phồng, thâm quầng. Thiếu ngủ sẽ kích thích các chất lỏng tập trung bên dưới mắt, tạo thành bọng mắt khiến gương mặt bạn trông xanh xao, thiếu sức sống.
Nếu bạn để stress kéo dài, bọng mắt xấu xí này cũng sẽ theo bạn trong suốt một thời gian dài. Do vậy, bạn cần tìm cách kiểm soát stress để hạn chế tình trạng mất ngủ trường kỳ. Thêm vào đó, bạn cũng nên tạo cho mình một vài thói quen lành mạnh trước khi đi ngủ như tránh xa màn hình điện thoại vì chúng có chứa tia bức xạ gây sạm da, khó ngủ, thiền hoặc đọc sách sẽ giúp tinh thần thư giãn nhẹ nhàng…
Da khô, bong tróc
Khi căng thẳng, bạn có thể sẽ không chú tâm đến chế độ ăn uống lành mạnh và bổ sung đủ nước cho cơ thể. Mặt khác, bạn còn có thể sẽ tìm đến các thức uống chứa caffeine như cà phê, nước ngọt có ga… nhằm duy trì sự tỉnh táo và bình tĩnh cho bản thân.
Tuy nhiên, mất nước kết hợp với việc nạp quá nhiều caffeine có thể đẩy làn da của bạn lâm vào tình trạng khô xỉn, thậm chí bong tróc thành từng mảng trắng. Thiếu nước, da sẽ rất khó duy trì được độ ẩm và độ đàn hồi. Vì vậy, bạn cần tránh xa các đồ uống có chứa chất kích thích, uống ít nhất 2 lít nước mỗi để đảm bảo làn da không bị lão hóa sớm.
Mụn trứng cá
Stress là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên các chứng bệnh về da như mụn trứng cá, vảy nến hoặc eczema. Khi bạn căng thẳng, cơ thể sẽ bị kích thích giải phóng lượng hormone cortisol vượt quá mức cho phép, từ đó gây mụn mọc tràn lan trên mặt hoặc khắp cơ thể.
Stress cũng có thể phá vỡ sự cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn trong hệ thống đường ruột, biểu hiện dưới dạng mụn trứng cá trên mặt hoặc lưng. Hãy chăm chỉ tập thể dục và xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh để chống lại những tác động tiêu cực của stress tới tình trạng mụn của bạn.
Tóc gãy rụng
Melanin là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi và nuôi dưỡng tóc chắc khỏe. Tuy nhiên, khi cơ thể gặp stress, quá trình sản sinh melanin có thể bị ngưng trệ. Đây là lí do càng căng thẳng, tóc bạn sẽ gãy rụng càng nhiều. Thậm chí, bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ tóc bạc sớm và mỏng đi theo thời gian.
Nếu không muốn mái tóc mình càng ngày càng xơ xác và rụng nhiều một cách bất thường, hãy học cách thư giãn tinh thần. Ngoài ra, bạn cần tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B và biotin để cải thiện sức khỏe da đầu cũng như mái tóc của mình.
Nếp nhăn trên mặt
Chế độ ăn uống, sinh hoạt và tâm trạng có sức ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của làn da. Tuy nhiên, stress có thể đảo lộn tất cả những thói quen ăn uống, sinh hoạt đó của bạn. Một loạt các hệ quả do căng thẳng kéo dài gây nên như mất ngủ, chán ăn, tâm trạng tồi tệ… là tác nhân đẩy nhanh quá trình lão hóa da ở phụ nữ. Do vậy, da bạn có thể nhanh chóng xuất hiện các nếp nhăn ở khóe mắt, khóe miệng, trán… khiến bạn mất tự tin về ngoại hình của mình.