“Những điều đơn giản này có thể tạo ra sự khác biệt trong việc đánh giá liệu một người có được phân loại là cao huyết áp và cần được điều trị hay không”, Health24 dẫn lời tiến sĩ Michael Hochman thuộc Hiệp hội Tim mạch Mỹ.
“Biết đo huyết áp đúng cách ở nhà cũng như nhận ra những sai sót ở bệnh viện có thể giúp bạn kiểm soát huyết áp và tránh việc thay đổi thuốc điều trị một cách không cần thiết”, tiến sĩ Hochman nói.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, 6 nguyên nhân phổ biến khiến số đo huyết áp không chính xác gồm:
Bàng quang đầy nước tiểu
Đơn vị đo huyết áp là mm/Hg. Bàng quang đầy nước tiểu có thể khiến điểm đo huyết áp tăng thêm 10 đến 15 mm/Hg khi đo. Do đó, mọi người không nên đo huyết áp lúc đang mắc tiểu.
Đứng thẳng người
Dùng sức ở chân và và lưng khi đo huyết áp mà thường thấy là đứng đo huyết áp có thể làm huyết áp tăng thêm 10 mm/Hg. Các chuyên gia khuyến cáo không nên đứng mà hãy nằm hoặc ngồi trong tư thế tựa lưng vào vật gì đó, chân duỗi thẳng trên sàn khi đo huyết áp để có kết quả chính xác.
Tư thế chân
Ngồi hay nằm bắt chéo chân khi đo có thể làm tăng kết quả đo thêm 8 mm/Hg.
Dùng lực ở tay
Tay phải thả lỏng hoặc gác lên vật gì đó khi đo. Nếu không, số đo huyết áp có thể tăng thêm hơn 10 mm/Hg.
Quấn vòng bít máy đo huyết áp không đúng cách
Cách quấn vòng bít của máy đo huyết áp vào bắp tay không đúng cách có thể ảnh hưởng nhiều đến kết quả đo. Quấn vòng bít vào tay thì phải xắn tay áo lên và quấn trực tiếp vào tay trần. Nếu không xắn tay áo lên mà quấn vòng bít chồng lên vải áo thì kết quả có thể sai lệch từ 5 đến 50 mm/Hg.
Nói chuyện khi đo
Nói chuyện khi đo huyết áp có thể làm tăng thêm 10 mm/Hg. Vì vậy hãy im lặng khi đang đo.