Nghịch lý gầy/béo: Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra
Trong cuộc sống hàng ngày, có thể bạn đã gặp rất nhiều những người béo, ngay cả khi họ nói rằng họ không ăn gì nhiều, “chỉ thở thôi cũng béo” và béo lên không ngừng. Ngược lại, có một nhóm người lại trăn trở một điều, tại sao đã “ăn cả thế giới” rồi mà vẫn không thể béo lên được, không thể tăng cân mặc dù đã cố gắng bồi dưỡng?
Vì thức ăn quá sẵn, nên chúng ta ăn thường xuyên, thậm chí có quá nhiều món ăn ngon, hấp dẫn nên việc ăn đã không được kiểm soát một cách khoa học và nghiêm ngặt.
Bất kỳ bạn ăn món ăn gì, dù ít hay nhiều, đều là nguồn cung cấp năng lượng, và chúng dễ dàng khiến bạn bị dư thừa năng lượng, tích tụ mỡ, tạo ra thừa cân, béo phì. Vì vậy, nếu bạn không muốn tăng cân, muốn duy trì vóc dáng vừa vặn, thì buộc phải kiểm soát việc ăn uống của bản thân bằng những kiến thức ăn uống lành mạnh nhất.
Ngược lại, có nhiều người xung quanh bạn, rõ ràng là họ đã ăn rất nhiều, nhưng lại không thể béo. Có những người gầy “quắt queo” nhưng không thể nào tăng cân lên được, ngày nào cũng ăn và ngày nào cũng hy vọng có thể tăng cân lên một chút.
Điều này khiến những người khác cảm thấy vô cùng kỳ lạ, không lẽ quy luật tăng giảm cân ở con người lại có thể trái ngược như vậy?
Hãy cùng tìm hiểu kỹ về những bí mật tại sao người muốn béo lên không được, trong khi nhiều người muốn gầy đi không xong.
1. Người ăn “liền mồm” nhưng không tăng cân
Thực tế, ở một số người, chúng ta thường nhìn thấy họ ăn, và nhìn thấy ăn nhiều lần nên nghĩ rằng họ ăn nhiều. Nhưng ngoài những lúc chúng ta nhìn thấy, thời gian còn lại họ hầu như không ăn gì, hoặc ăn rất ít. Nhóm người này được cho là gầy bởi cảm giác là ăn nhiều nhưng không đúng với thực tế nhu cầu và số lượng phải ăn hàng ngày.
Ăn “lắt nhắt” và không cân bằng dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân khiến bạn không tăng cân. Người béo có thể áp dụng cách ăn này nhưng người gầy thì tuyệt đối phải tránh.
2. Người ăn nhiều bữa nhưng số lượng quá ít
Có rất nhiều người thực sự ăn rất nhiều, nhưng cách ăn của họ là ăn từng ít một, ăn thành nhiều bữa. Xét tổng thể tần suất ăn thì nhiều, nhưng số lượng thực phẩm ăn vào lại ít, vừa ăn chút đã cảm thấy no.
Mặc dù bạn sẽ có cảm giác rằng mình ăn thường xuyên, nhưng cách ăn này không thể giúp bạn tăng cân được, bởi cơ thể không tạo cho dạ dày và đường ruột thực hiện chức năng làm việc bình thường.
Thậm chí, bạn ăn vào, dạ dày chưa kịp làm việc nhiều, thì thức ăn đã được tiêu hóa hết, không có thời gian để hấp thụ các chất béo và mỡ, từ đó khiến cho việc bạn ăn bao nhiêu cũng không béo lên.
Cách ăn này chỉ phù hợp với người thừa cân, người gầy không nên áp dụng.
3. Người có bệnh ở hệ tiêu hóa
Ngoài việc ăn quá ít trong một bữa, ăn thức ăn nghèo năng lượng, còn có một nhóm người khác ăn mãi không béo, chính là nhóm có bệnh về đường tiêu hóa, đường ruột hay dạ dày có vấn đề mà không biết. Hoặc thậm chí đã biết mà chưa điều trị hiệu quả.
Khi dạ dày và đường ruột của bạn có vấn đề, bệnh tật phát sinh khiến chức năng hoạt động của các cơ quan liên quan không hiệu quả. Đặc biệt, đa số người có bệnh về đường tiêu hóa thường sẽ rất gầy.
Nhóm người này mặc dù ăn nhiều, nhưng cơ quan tiêu hóa kém nên không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng, không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình, đa số chất dinh dưỡng ăn vào đều bị đào thải ra ngoài.
Trong một thời gian dài, nếu không điều trị khỏi bệnh về đường tiêu hóa, nhóm người này sẽ bị gầy và thậm chí còn rơi vào tình trạng thiếu chất dinh dưỡng, suy dinh dưỡng tăng dần theo thời gian. Vì vậy, hãy sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
4. Người có lớp mỡ dưới da quá mỏng
Lớp mỡ dưới da là bộ phận vô cùng quan trọng giúp bạn tích trữ năng lượng dự phòng hoặc dư thừa. Chúng đóng góp một phần không nhỏ trong các yếu tố dẫn đến việc gầy hoặc béo.
Một số người sở hữu lớp mỡ dưới da không đủ dày, hoặc quá mỏng, sẽ không dễ dàng để lưu trữ năng lượng sau khi ăn vào. Những người có thể chất như vậy thường rất lạnh vào mùa đông vì cơ thể không tích trữ đủ năng lượng để chuẩn bị cung cấp nhiệt cho mùa đông lạnh giá.
Hầu hết thức ăn họ ăn vào hàng ngày chỉ đủ tiêu hóa và có thể được chuyển đổi thành năng lượng để duy trì cuộc sống hàng ngày, không đủ dư thừa để tạo ra năng lượng dự trữ, thiếu mỡ thì không thể trở nên béo hơn.
5. Người có ký sinh trùng trú ngụ trong cơ thể
Nếu như bạn gầy, có thể kiểm tra việc trong cơ thể có ký sinh trùng trú ngụ hay không. Có nhiều người do ký sinh trùng (giun, sán…) ăn hết dinh dưỡng của bạn khiến cho cơ thể gầy mòn, bất kỳ lúc nào cũng trong trạng thái suy dinh dưỡng.
Nếu bạn nghi ngờ lý do này, nên kiểm tra hoặc uống thuốc tẩy giun định kỳ theo khuyến cáo của thầy thuốc.
Trong thực tế, tất cả mọi người đều không cần phải cố tình theo đuổi một vóc dáng mảnh mai. Bởi có rất nhiều người gầy sẽ không khỏe mạnh một cách thật sự. Tất nhiên thừa cân béo phì cũng là điều bạn nên tránh, nhưng nếu bạn thuộc nhóm người “ăn mãi không tăng cân” thì lại phải xem xét nguyên nhân gây ra vấn đề này.