Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lười tập thể dục đã là một vấn đề toàn cầu. Hơn 1,4 tỷ người đang tự đặt mình vào nguy cơ mắc các bệnh mạn tính nguy hiểm… vì ít tập thể dục.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho biết, tình trạng ít vận động này làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, cao huyết áp, cholesterol, thừa cân béo phì, tiểu đường type 2, sa sút trí tuệ và nhiều bệnh ung thư khác nhau.
Trong một báo cáo nghiên cứu trên tạp chí Lancet, tổ chức WHO cho biết rằng, hiện đang có 32% phụ nữ không hoạt động thể chức đủ mức được khuyến cáo. Con số này cũng cao hơn tỷ lệ ở nam giới là 23%.
Mỗi tuần, một người trưởng thành khỏe mạnh nên có ít nhất 2 tiếng rưỡi hoạt động cường độ vừa phải hoặc 75 phút hoạt động cường độ mạnh, thêm vào đó là 2 buổi tập luyện tăng cường cơ bắp. Tuy nhiên, gần 40% người trưởng thành ở Mỹ và 36% người lớn ở Anh không đạt được mục tiêu này. Tình huống ở các quốc gia khác cũng không có gì khác biệt nhiều.
Tình huống này khiến không ít người phải tự đặt ra câu hỏi cho bản thân: “Đã bao lâu rồi mình chưa tập thể dục?”
Để đáp ứng các hướng dẫn tập thể dục tối thiểu của WHO, trung bình mỗi ngày, chúng ta có thể dùng khoảng 20 – 30 phút để tập luyện ở cường độ vừa phải, có thể là đạp xe, đi bộ nhanh, chạy bộ…
Thế nhưng, sau 8 tiếng học tập hay làm việc ban ngày, đại đa số chúng ta lại dành thời gian để nằm ườn trên ghế, trên giường chơi điện thoại, hoặc liên tục sa vào những cuộc chơi, tụ tập hội họp, ăn uống nhậu nhẹt. Tối đêm mới về đến nhà, chúng ta vội vàng tắm rửa, vệ sinh cá nhân, lao lên giường ngủ và hôm sau lại thức dậy chỉ vừa kịp để vội tới công ty. Thế là, chẳng ai còn đủ thời gian để tập luyện nữa.
Điều kỳ lạ là, một bộ phận không nhỏ trong nam giới không thích hoạt động thể lực, nhưng lại đam mê theo dõi các hoạt động này, chẳng hạn như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, điền kinh, bơi lội, cử tạ… Khi bàn luận đến vấn đề này, họ “thao thao bất tuyệt” không khác gì các chuyên gia. Mỗi dịp có Thế vận hội Olympic, World Cup hay Giải bóng đá Ngoại hạng Anh Premier League thì họ lại càng phấn khích, sẵn sàng thức khuya dậy sớm để theo dõi bằng được một trận đấu.
Trong khi đó, ngày thường, họ nằm ườn trên sofa trong phòng khách. Dù biết rõ các quy tắc của vô số môn thể thao, họ cũng rất hiếm khi tham gia, thậm chí là đi bộ cũng rất ít. Đối với họ, có lẽ việc “tập luyện” mất sức nhiều nhất là ngồi trước máy tính chơi điện tử.
Trong cả một thế hệ đã quen với việc ít vận động, không thể chạy chỉ là nguyên nhân xuất phát từ thân thể bên ngoài, không muốn chạy chính nguyên nhân đến từ tâm lý bên trong.
Trong tờ International Herald Tribune, có một bài báo chuyên đề về marathon từng viết rằng: Khi phỏng vấn một số người tham gia chạy marathon nổi tiếng, người ta hỏi câu thần chú đặc biệt nào đi qua đầu họ mà có thể giúp họ hăng hái suốt cuộc đua 26,2 dặm.
Một thí sinh tham gia đã trả lời rằng: “Đau đớn là không thể tránh khỏi, còn đau khổ là tự nguyện.”
Câu nói này được truyền lại từ anh trai của chính thí sinh đó, cũng là một người đam mê chạy bộ, và được nghiền ngẫm trong suốt hành trình từ khi bắt đầu chạy. Thay vì nghĩ rằng “Trời ơi mệt quá, mình không chịu đựng nổi nữa rồi”, chúng ta tập làm quen với “sự đau khổ”, để dần dần khai thác và mở rộng thêm nhiều sức mạnh ý chí của bản thân hơn.
Bản chất của chạy bộ chính là sự nỗ lực không ngừng, cố gắng tối đa để vượt qua những giới hạn cá nhân của mình. Giống như cách mà tác giả nổi tiếng của Nhật Bản, Haruki Murakami từng viết:
“Chạy bộ là một ẩn dụ cho cuộc sống. Hầu hết người chạy bộ chạy không đơn thuần vì họ muốn sống lâu hơn, mà còn vì họ muốn sống trọn vẹn hơn. Ngay cả khi ta chỉ định sống cho qua ngày đoạn tháng thì vẫn sẽ tốt hơn nhiều nếu sống những năm tháng ấy với mục đích rõ ràng, sống động trọn vẹn, thay vì bối rối hoang mang. Tôi tin rằng, chạy bộ giúp chúng ta làm được điều đó.”
Quả thật, tuy rằng, bản thân chúng ta rất khó có thể chạy nhanh hơn Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan hay Nguyễn Thị Oanh, những cái tên “vàng” trong làng điền kinh Việt Nam, nhưng ít nhất, chúng ta có thể kiên trì chạy hướng tới đích đến riêng của mình. Cho dù chạy chậm, tư thế không đúng, khởi động không thích hợp, mồ hôi đầm đìa,… thì chúng ta vẫn không ngừng hướng về phía trước.
Để cơ thể “hấp thụ” hết những lợi ích của việc tập thể dục, nên lựa chọn cho mình môn tập thể dục phù hợp với lứa tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe.
Chẳng hạn như, với thanh thiếu thiên, nên vận động bình thường với kế hoạch thường xuyên.
Còn với giai đoạn người trưởng thành, nên dành nhiều thời gian quan tâm tới sức khỏe hơn cả, phù hợp với các môn thể thao đòi hỏi sức mạnh, sức bền và cường độ cao như: Bóng đá, bóng chuyền, tennis, chạy bộ…
Những người lớn tuổi trên 60 nên duy trì nhịp độ vận động nhẹ nhàng, chú trọng tính dẻo dai như đi bộ, yoga, Thái cực quyền, đạp xe…
Hãy nhớ rằng, nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại Aristote đã nhận xét: “Không có gì làm cho con người mệt mỏi, suy yếu và phá hủy cơ thể bằng việc không vận động kéo dài”.
Thể dục mang lại cho cuộc sống một vòng tròn lợi ích gồm “sinh học – xã hội – tâm lý”. Chúng giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, phòng ngừa ung thư. Chưa kể đến, vận động cũng hỗ trợ con người tăng cường các mối quan hệ trong xã hội, giảm stress, giúp cuộc sống trở nên lạc quan và tự tin hơn.
Có thể thấy rằng, tập thể dục mỗi ngày, thường xuyên thay đổi bài tập thì cơ thể sẽ khỏe mạnh và tâm trạng vui vẻ, lạc quan hơn.