Không đi du lịch hè mà chọn ở nhà để theo dõi Mad Men và Love Island, cây viết Iona David của The Guardian nhận thấy điểm chung đáng ngạc nhiên giữa các chương trình này: cả 2 đều minh họa cách xã hội phản ứng với những thứ tệ hại.
Mad Men nhắc lại sự thật rằng trong những năm 1950-1960, thuốc lá được quảng cáo liên tục thế nào. Các nhà sản xuất thản nhiên nói với người tiêu dùng rằng: “Sản phẩm này thật tuyệt, hãy tiêu thụ chúng”. Ngày nay, trải qua nhiều thập kỷ, tệ nạn hút thuốc cũng bị loại bỏ với những lệnh cấm mới được đưa ra.
Love Island cũng đi trên con đường tương tự.
Chương trình truyền hình thực tế của Anh, vốn dựa vào toan tính của nhà sản xuất và phương pháp thao túng tâm lý khán giả, ngày càng đối mặt với yêu cầu đạo đức từ người xem hiện đại.
Qua mỗi mùa mới, mối quan tâm của công chúng lại trở nên lớn hơn. Tuy nhiên, dù nhìn ra mặt tiêu cực, nhiều người vẫn không thể rời mắt khỏi màn hình. Trong sâu thẳm, họ vừa yêu, vừa ghét hay đúng hơn là “nghiện” xem thể loại này.
Khán giả bị mắc kẹt trong vòng lặp không hồi kết: cảm thấy tội lỗi vì theo dõi show hẹn hò, xem lại và yêu thích, sau đó nhận ra điều này không tốt nhưng không tìm được lý do nào để dừng lại.
Tương tự, trở lại những năm 1950, nhiều người biết thuốc lá không tốt nhưng vẫn lén hút để thỏa cơn thèm.
Sự phát triển của mạng xã hội cũng là yếu tố góp phần. Một trong số ít điểm cộng của các nền tảng như Twitter và Instagram là thu hút sự chú ý, thậm chí gây làn sóng tranh luận về những hành động sai trái. Mọi người đang quy trách nhiệm cho nhau, vậy tại sao không soi xét show hẹn hò để chấn chỉnh chúng trở nên văn minh, đạo đức hơn?
Thực tế, các nhà sản xuất đang bày ra những chiêu trò độc hại không chỉ cho người chơi mà còn cả xã hội. Có những dấu hiệu rõ ràng về tình trạng bắt nạt tập thể nhằm vào phụ nữ trong nhà chung năm nay. Chưa kể, những năm qua, một số người đã tham gia chương trình đã tự sát.
Tuy nhiên, khi người xem đắm chìm vào những “drama” trong Love Island, các vấn đề tiêu cực phai mờ dần trong một giờ phát sóng.
Việc biết rằng thứ gì đó độc hại không đủ để khiến con người dừng lại. Điều này từng được thấy nhiều lần trước đây như thuốc lá, thuốc phiện hay những tệ nạn khác. Thời gian là giải pháp duy nhất.
Hiện tại, hành động lý trí của cá nhân, thậm chí là cả tập thể vẫn chưa đủ để cạnh tranh với các cường quốc kiếm tiền từ truyền hình thực tế. Nó quá hấp dẫn và chưa đủ tệ hại để bất kỳ nhóm người nào tẩy chay. Dường như con người phải đẩy show thực tế đi đến giới hạn có hại mới mong xóa bỏ được nó.