Phát ban và các vết phồng rộp do tay chân miệng có thể khiến trẻ khó chịu, chán ăn. Vì vậy, điều quan trọng cha mẹ cần làm là giúp con luôn thoải mái trong thời gian mắc bệnh.

Tay chân miệng xảy ra phổ biến với trẻ dưới 5 tuổi. Ảnh: Raisingchildrennetwork.

Tay chân miệng là bệnh nhiễm trùng do virus Coxsackie gây ra. Mặc dù chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, căn bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tay chân miệng bùng phát phổ biến nhất vào mùa hè và mùa thu.

Tay chân miệng thường không nghiêm trọng nhưng rất dễ lây lan, đặc biệt tại các trường học và trung tâm chăm sóc. Mọi người đều có thể mắc tay chân miệng nhiều lần, nhưng các triệu chứng sẽ bớt nghiêm trọng hơn.

Triệu chứng phổ biến

Theo Kid’s Health, tay chân miệng thường không gây bệnh nặng. Các triệu chứng thường bắt đầu từ 3 đến 7 ngày sau khi bị nhiễm bệnh và có thể kéo dài 7-10 ngày. Nếu trẻ bị tay chân miệng, con có thể cảm thấy mệt mỏi, sốt và phát ban. Tùy thuộc vào loại virus mà con mắc phải, phát ban trên da có thể trông giống:

– Những mụn nước nhỏ, hình bầu dục, màu trắng ở lòng bàn tay, lòng bàn chân cũng như trong miệng. Con có thể bị đau miệng và cổ họng, dẫn đến chán ăn hoặc có nguy cơ mất nước (ăn và uống bị đau do các vết phồng rộp ở miệng).

– Phát ban da đỏ với vảy nâu trên đó. Phát ban xuất hiện ở mặt ngoài của cánh tay, bàn tay, chân, bàn chân, quanh miệng và mông. Đôi khi có những vết phồng rộp, nhưng chúng thường không xuất hiện trong miệng nên trẻ có thể ăn uống như bình thường.

Mụn nước không gây ngứa như mụn nước thủy đậu. Nếu trẻ bị bệnh chàm, tay chân miệng có thể khiến bệnh chàm trầm trọng hơn và có khả năng bị nhiễm vi khuẩn.

Tay chan mieng o tre anh 1

Trẻ bị tay chân miệng thường cảm thấy chán ăn do bị đau bởi các vết loét trong miệng. Ảnh: Themirror.

Tay chân miệng lây lan như thế nào?

Theo Bệnh viện Nhi Hoàng gia Melbourne (Australia), cách lây lan chính của bệnh tay chân miệng là qua tiếp xúc với chất lỏng từ bên trong mụn nước, hoặc với những giọt nước bắn ra từ hắt hơi và ho. Virus cũng có thể có trong phân cho đến vài tuần sau khi người bệnh đã hồi phục.

Bệnh tay chân miệng dễ lây nhất trong tuần đầu tiên của bệnh. Virus có thể dính vào tay hoặc các đồ vật khác của một người và sau đó lây lan vào miệng của một người nào đó, gây nhiễm trùng. Bệnh tay chân miệng không lây qua động vật. Rửa tay là cách tốt nhất để ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng.

Cha mẹ có thể làm gì?

Cha mẹ cố gắng cho con được thoải mái và bổ sung nhiều thức ăn, chất lỏng. Nếu trẻ bị lở loét trong miệng, hãy cho con uống các chất lỏng nhạt, lạnh như sữa hoặc nước. Acetaminophen hoặc ibuprofen có thể giúp giảm cảm giác khó chịu do lở miệng.

Đôi khi trẻ có thể bị đau đến mức cần phải đưa con tới bệnh viện để được kê thuốc giảm đau theo toa. Khi trẻ bị bệnh, mọi thành viên trong gia đình cần rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi thay tã, xì mũi, đi vệ sinh, trước khi chuẩn bị đồ ăn và mỗi bữa ăn.

Ngoài ra, cha mẹ không nên tự làm vỡ mụn nước vì chúng có thể tự lành. Mặc dù bệnh tay chân miệng dễ lây lan nhất trong giai đoạn đầu, virus có thể lây truyền từ mụn nước và dịch tiết (như nước bọt, đờm hoặc chất nhầy mũi).

Trẻ em nên nghỉ học và ở nhà nếu có các triệu chứng. Rửa đồ chơi và các bề mặt trong nhà thường xuyên. Đặc biệt, cha mẹ nên gọi cho bác sĩ nếu con:

  • Bị nôn và có bất kỳ dấu hiệu mất nước nào, chẳng hạn: Không có nước mắt khi khóc; khô da, miệng và lưỡi; ít hoặc không có nước tiểu (ít hơn 4 tã ướt trong 24 giờ); từ chối thức ăn và/hoặc chất lỏng trong 4-8 giờ vì lở miệng.
  • Thở gấp.
  • Bị viêm họng nặng.
  • Đau đầu dữ dội, đặc biệt là kèm theo nôn mửa, lú lẫn hoặc buồn ngủ bất thường.
  • Không khỏe, bị sốt và phát ban trên da (đốm nhỏ màu đỏ tươi hoặc đốm tím hoặc vết bầm tím không rõ nguyên nhân) mà không chuyển sang màu da (nhạt) khi bạn ấn vào. Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng não mô cầu.
Theo Phương Mai (zing) – Ảnh: T.H
Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link