Khi thời tiết chuyển từ xuân sang hè, trẻ dễ bị say nắng, ngộ độc, phát ban hoặc nhiễm trùng tiết niệu.

Nhiệt độ tăng dần và thời tiết nồm ẩm không chỉ gây khó chịu cho người lớn mà ở cả trẻ nhỏ. Có nhiều vấn đề về sức khỏe trẻ dễ gặp phải trong mùa nóng ẩm, bao gồm một số bệnh dị ứng và nhiễm trùng.

Tiến sĩ Suresh Birajdar, bác sĩ sơ sinh và nhi khoa tại Bệnh viện Motherhood, Kharghar (Ấn Độ) cho biết, độ ẩm cùng nhiệt độ tăng cao có thể khiến các vấn đề này trở nên tồi tệ hơn. Theo tiến sĩ, một số dấu hiệu và tình trạng mà cha mẹ cần lưu ý vào thời điểm giao mùa gồm:

1. Say nắng (Tăng thân nhiệt)

Nguyên nhân của say nắng là do trẻ tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao. Biểu hiện của tình trạng này gồm kiệt sức, nhức đầu, chóng mặt và suy nhược. Khi trẻ bị say nắng, hãy hạ nhiệt cơ thể bằng nước hoặc túi chườm đá. Khi làm việc hoặc vui chơi ngoài trời, nên đội mũ cho trẻ.

2. Ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc xảy ra do ăn thực phẩm hoặc uống nước bị ô nhiễm. Thời tiết nóng và ẩm thường khiến vi khuẩn dễ sinh sôi, phát triển, có thể làm ô nhiễm thực phẩm. Các triệu chứng bao gồm đau dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy hoặc nôn. Để tránh tình trạng này, không ăn thức ăn ven đường cũng như thức ăn ôi thiu hoặc chưa được nấu chín.

3. Mất nước

Vào mùa hè, trẻ em có xu hướng mất nhiều nước và muối do ra nhiều mồ hôi. Để tránh tình trạng này, bổ sung nước dừa, nước chanh để giúp cho trẻ đủ nước trong mùa hè.

Luôn đảm bảo trẻ được cung cấp đủ nước vào mùa hè để tránh các vấn đề say nắng hay mất nước. Ảnh: Childrens.com
Luôn đảm bảo trẻ được cung cấp đủ nước vào mùa hè để tránh các vấn đề say nắng hay mất nước. Ảnh: Childrens.com

4. Cháy nắng

Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời có thể làm hỏng làn da của trẻ. Say nắng khiến da trẻ bị mẩn đỏ, viêm, phồng rộp và bong tróc. Để tránh tình trạng này, nên bôi kem chống nắng cho trẻ trước khi ra ngoài nắng. Ngoài ra, trẻ em nên hạn chế ra ngoài trời nắng trong khoảng thời gian từ 11h đến 16h.

5. Phát ban

Phát ban, mụn nước, nhiễm trùng và dị ứng là những hiện tượng thường thấy ở trẻ em khi vào mùa. Bệnh chàm (một căn bệnh ngoài da) thường trầm trọng hơn vào mùa hè do đổ mồ hôi, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và tăng tiết dầu. Kết quả là trẻ có thể bị phát ban da. Nếu gặp tình trạng này, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có một phương pháp điều trị thích hợp cho trẻ.

Để kiểm soát tình trạng kích ứng da, cha mẹ có thể chườm lạnh lên vùng da bị kích ứng. Cho trẻ mặc quần áo cotton thoáng mát và rộng rãi trong mùa hè. Tránh sử dụng bất kỳ sản phẩm nào mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

6. Bệnh lây truyền qua đường nước

Nguồn nước bị ô nhiễm có thể dẫn đến bệnh thương hàn, tiêu chảy, dịch tả, vàng da và kiết lỵ ở trẻ em. Vì thế, cha mẹ nên mang theo chai nước khi ra ngoài cùng trẻ.

7. Viêm kết mạc (đau mắt đỏ)

Viêm kết mạc là tình trạng sưng tấy hoặc nhiễm trùng xảy ra ở lớp niêm mạc bên ngoài nhãn cầu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các triệu chứng bao gồm đỏ, ngứa và viêm mắt. Vì vậy, nên thường xuyên chăm sóc cho đôi mắt của trẻ và nhắc con bạn không chạm tay vào mắt để tránh tình trạng tồi tệ hơn.

8. Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)

Nhiễm trùng tiết niệu có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của hệ thống tiết niệu, bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Các trường hợp nhiễm trùng tiểu ở trẻ em tăng lên trong mùa hè do không cung cấp đủ nước cho cơ thể. Để tránh tình trạng này, cần đảm bảo giữ vệ sinh cá nhân thật tốt và cho trẻ uống đủ nước.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link