Con làm được mà
Đôi khi, có những công việc vặt trong nhà hoặc bài tập ở trường tưởng chừng như quá khó, trẻ nản lòng và muốn bỏ qua nhưng chỉ cần một câu nói đơn giản này từ cha mẹ có thể thay đổi được ý nghĩ đó của trẻ. Chỉ với 4 chữ đơn giản “Con làm được mà”, cha mẹ đã khích lệ con và tạo cho trẻ cảm giác được cha mẹ tin tưởng, tự tin vào khả năng của bản thân hơn và vì thế mà có thể hoàn thành tốt những công việc mà trẻ tưởng rằng muốn bỏ cuộc.
Bố/mẹ yêu con
“Mẹ yêu con”/”Bố yêu con” luôn là 3 tiếng kì diệu nhưng lại hay bị nhiều cha mẹ lãng quên không nói với con hàng ngày. Cho dù cuộc sống có tất bật đến thế nào, cũng đừng quên ưu tiên dành những lời yêu thương cho đứa con của mình. Có thể nhiều bậc phụ huynh sẽ cảm thấy “ngượng” vì không quen làm việc này nhưng chỉ cần thử một lần, cha mẹ sẽ thấy việc bày tỏ những lời yêu thương trực tiếp hóa ra thật đơn giản và cần thiết.
La mắng, phàn nàn về con có thể gây “phản tác dụng” nhưng có những lời nói đơn giản của cha mẹ khiến trẻ sẽ ngoan giỏi hơn theo từng ngày. (Ảnh minh họa)
Con thử làm lại xem
Trẻ nhỏ rất dễ bỏ cuộc khi thấy việc gì quá khó, làm không thành. Thay vì mắng mỏ hoặc mặc kệ con, hãy ngồi lại bên con và động viên, khuyến khích bé: “Con thử làm lại xem.” Điều này giúp bé có thêm động lực và háo hứng trở lại với công việc dang dở.
Con nói đi, bố/mẹ nghe đây.
Dạy con ngoan giỏi không chỉ nằm ở việc nói gì, dạy bảo gì với con mà còn nằm ở việc biết cách lắng nghe ý kiến của con. Đôi khi cha mẹ quá bận rộn đến mức không còn thời gian để lắng nghe tâm tư tình cảm của con, mặc kệ cho con “độc thoại” hoặc chỉ thao thao rao giảng con cần làm cái này, cần làm cái kia. Dừng lại và lắng nghe con là điều cần thiết để nuôi dưỡng sự tự tin và cảm giác được tôn trọng bên trong con bạn.
Ngày hôm nay của con thế nào?
Việc thể hiện sự thích thú với các hoạt động thường ngày của con là cực kì quan trọng. Cả một ngày dài cha mẹ đi làm không nhìn thấy mặt trẻ và có biết bao nhiêu chuyện xảy ra, điều đầu tiên cha mẹ nên hỏi khi trở về gặp con là: “Ngày hôm nay của con thế nào?”. Được hỏi hàng ngày, trẻ sẽ có cảm giác được quan tâm và sẵn sàng thổ lộ những cảm xúc, cảm nhận của trẻ.
Bố/mẹ cũng nghĩ vậy nhưng…
Muốn trẻ vâng lời thì trước hết cha mẹ phải chia sẻ, đồng tình với ý kiến của trẻ. Nếu thấy con sai thì cha mẹ sẽ cần nhẹ nhàng uốn nắn sau đó, chẳng hạn như: “Hồi nhỏ bố/mẹ cũng nghĩ vậy nhưng lớn lên mới biết…” hoặc “Con nghĩ thế là đúng đó, nhưng ngoài ra, còn phải…” Khi ý kiến của trẻ được chấp nhận phần nào và tôn trọng thì trẻ sẽ dễ dàng nghe theo lời bố mẹ hơn.