Món phở được bán với giá 100 USD dành cho hai người đi kèm với đồ uống, thức ăn khai vị và bát phở chứa 6 loại thịt bò.
Joshua Zukas, nhà báo của tờ Insider Mỹ, có chuyến du lịch Việt Nam hồi tháng 9 và nhận được lời mời của đầu bếp Peter Cường Franklin (trong ảnh), đến trải nghiệm món phở đặc biệt ở TP HCM. Tiệm chuyên món từ phở này ‘chung nhà’ với nhà hàng duy nhất ở thành phố đạt sao Michelin, đều do đầu bếp Peter Cường Franklin điều hành. Món phở tại đây có giá cao ngất ngưởng – 100 USD (tương đương 2,4 triệu đồng), cao gấp 50 lần phở bình thường.
Nhà hàng này nằm trong tòa nhà 6 tầng, gần khu chợ Tôn Thất Đạm, quận 1. Để tới được đây, Joshua phải đi len qua vài nhà hàng ở lầu bên dưới. Điều này khá “khó xử” với khách nước ngoài nhưng nhà báo Mỹ nhận xét việc này không có gì lạ ở Việt Nam, thậm chí còn khá phổ biến.
Cách bố trí và không khí ở nhà hàng này giống như quán mì ramen Nhật Bản với dãy ghế đối diện quầy thức ăn hình chữ L. Ngoài ra, nhà hàng còn có một dãy ghế dài nhỏ nhìn ra ban công – nơi có tầm nhìn ra khu chợ bên dưới – và một vài chiếc bàn nhỏ được cố định vào tường. Khi Joshua bước vào, chủ nhà hàng niềm nở chào hỏi và tiếp đãi thân mật vì đã quen biết từ trước.
Phởjito được bưng ra đầu tiên. Đây là một loại mojito được pha cùng các loại thảo mộc, đi kèm trong giá bán phở. “Tôi nhấm nháp ly cocktail làm từ rượu gin, thật sảng khoái vào một buổi tối tháng 9 ấm áp. Bên trên nó được phủ quế, hoa hồi khô và ớt tươi – tất cả loại gia vị có thể tìm thấy trong phở”, nhà báo viết.
Ngoài hai ly phởjito, set ăn gồm hai “viên phở phân tử” và hai miếng bánh mì. Chiếc bánh mì baguette giống như bánh quy giò, được phết rất nhiều pate kem và bọc trong thịt bò wagyu. Viên phở phân tử là nước phở cô đặc, đựng trong một chiếc thìa sứ. “Tôi nghi ngờ múc quả cầu lên, cho vào miệng, nó vỡ tung ngay lập tức. Nhưng hương vị thật lạ và ngon. Franklin quan sát khi tôi ăn món này. Anh ấy nói đây không chỉ là một bữa ăn, còn là một trải nghiệm, hãy ghi nhớ điều đó”, anh miêu tả.
Món chính xuất hiện như một bữa tiệc thịnh soạn. Một chiếc bát đá sâu lòng chứa nước phở đậm đà với sáu loại thịt bò khác nhau, bao gồm cả tủy và xúc xích tự làm, cùng với bò wagyu sống được phục vụ kèm theo. Bên cạnh đó là một chiếc bát nhỏ hơn, đựng sợi phở mềm dai. Một lòng đỏ trứng chần đựng trong chiếc bát nhỏ nhất. Joshua được giới thiệu đây là cách ăn phở của người Hà Nội, theo đó, trứng chần được ăn trước tiên.
“Tuy nhiên, với tôi, các món ăn kèm và nước chấm đã khiến bữa ăn trở nên thực sự đặc biệt. Tôi đã có cả một kho tàng ẩm thực để nâng tầm bữa ăn của mình: ớt tươi xắt nhỏ, một lát chanh, xốt me tương ớt, tương ớt, xốt mayo truffle, giá đỗ, hành tím và rau sống như húng quế, bạc hà, rau mùi, ngò, tía tô và thì là. Tôi thưởng thức từng miếng một và nhận ra nó không giống một bát phở chút nào. Thông thường, tôi nêm gia vị cho món phở của mình ngay khi nó được bưng ra với chanh, ớt và một ít rau thơm. Mỗi lần ăn đều có hương vị ít nhiều giống nhau. Nhưng món phở 100 USD này giống như một ‘màn nhào lộn với vị giác’, miếng sau đều đặc biệt hơn miếng trước”, nhà báo Insider cảm nhận.
Mức giá 100 USD được xem là cao ngất ngưởng so với phở bình dân nhưng nếu so sánh với chất lượng một bữa ăn fine-dining ở TP HCM hay Hà Nội thì đây là số tiền hợp lý. Chuyên gia Nguyễn Mạnh Hùng, tác giả 5 cuốn sách dạy nấu ăn và là người dẫn chương trình nấu ăn trên VTV, nói với Insider, mọi người chắc hẳn sẽ không ăn món ăn này mỗi ngày nhưng những cư dân TP HCM có mức sống cao hơn và sẵn sàng chi nhiều tiền cho những trải nghiệm mới.
“Peter Cường Franklin đã thành công trong việc tạo ra một món ăn với những trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ. Tôi đánh giá món này 4,5/5 điểm, chi phí này thích hợp cho những dịp đặc biệt. Món phở 100 USD là một trải nghiệm nhưng có lẽ tôi sẽ không ăn lại. Đối với các bữa ăn hàng ngày, tôi thích ăn kiểu truyền thống và khi quay lại, tôi sẽ thử món khác trong thực đơn”, Joshua nói.
Theo Hà Nguyên (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H