Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa Ý tại Hà Nội, sáng 24/10 tại Casa Italia, số 9 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội, Nhã Nam đã phối hợp giới thiệu bản dịch tiếng Việt đầu tiên tác phẩm “Những câu chuyện thời tiền sử” của nhà văn Ý nổi tiếng Alberto Moravia, dịch giả Lê Thúy Hiền chuyển ngữ.
Những câu chuyện thời tiền sử gồm 21 truyện ngắn, được kể như những truyện ngụ ngôn hiện đại, với nhân vật đa số là các con vật được nhân cách hóa, được đặt vào bối cảnh “cách đây mấy tỷ năm” nhưng lại mang đậm dấu ấn đô thị ngày nay như vũ trường, lính cứu hỏa, sở thú…
Những câu chuyện thời tiền sử gồm 21 truyện ngắn, được kể như những truyện ngụ ngôn hiện đại
Mỗi câu chuyện nhắc đến một hiện tượng trong cuộc sống hoặc trong tự nhiên và cố gắng giải thích hiện tượng đó theo cách nhìn của tác giả – luôn hoặc là phóng đại khoa trương, hoặc là nói ngược. Thường là để từ đó nhắc nhở người đọc một thái độ ứng xử nào đó trước những sự kiện, hiện tượng, vấn đề…
Nhưng vì được viết bằng những suy nghĩ, liên tưởng và so sánh đầy dí dỏm, hài hước, nên mỗi truyện ngắn còn giống như một truyện cười dài, thấm nhuần và ý vị, tuyệt không vương chút vết dấu giáo điều nào.
Mỗi câu chuyện nhắc đến một hiện tượng trong cuộc sống hoặc trong tự nhiên và cố gắng giải thích hiện tượng đó theo cách nhìn của tác giả
Con cá voi vốn nhỏ xíu đang sống tự do giữa hồ chỉ vì một ngày muốn ra bể lớn mà phải đánh đổi vĩnh viễn cuộc đời tung tẩy; con cá sấu lười biếng tưởng nghĩ được ra mưu ăn thịt cả đại dương phải trả giá đích đáng; mối tình gian nan giữa cá mú và lợn lòi chỉ vì nhất định muốn vượt qua những khác biệt không thể cứu vãn; thầy giáo chim cánh cụt hoang mang trước cảnh băng tan…
Với Những câu chuyện thời tiền sử, xuất bản tại Ý năm 1982, độc giả được diện kiến một Alberto Moravia hoàn toàn khác. Không còn cái nhìn u tối về cuộc đời, cảm giác bất lực trốn tránh, mà là cái nhìn tò mò vui thú khám phá và tràn trề nhựa sống.
Về tác giả Alberto Moravia Alberto Moravia tên thật là Alberto Pincherle, sinh ngày 28 tháng Mười một năm 1907 tại Rome, xuất thân trong một gia đình tư sản khá giả. Ông được xem là một trong những ngòi bút xuất sắc nhất của nền văn học Ý thế kỷ XX. Mỗi tác phẩm của ông đều đặc biệt chú trọng vào việc miêu tả tâm lý nhân vật, sự trống trải và phiền muộn của những tâm hồn đầy chán chường với cái vô nghĩa của cuộc sống nhưng không sao thoát ra được. Chính vì lý do đó, ngày nay, ông được coi là một trong những nhà văn có cái nhìn sâu sắc vào bậc nhất, là đại diện ưu tú của chủ nghĩa hiện thực phê phán trong trào lưu văn học Ý hiện đại. |
An Nguyên