Không có thời gian nấu cơm trưa, chị Phương (TP.HCM) thường ăn tại cửa hàng tiện lợi dưới công ty. Các món ăn ở đây không có nhiều rau nên chị sẽ tăng cường ăn rau vào bữa tối.

Một số người chọn thực phẩm tiện lợi vì nó nhanh chóng và tiết kiệm thời gian. Ảnh: Tastylicious.

“Tôi không rõ mấy món như mì ly, hủ tiếu ly hay cơm chiên sẵn có ảnh hưởng gì đến sức khỏe, nhưng nhờ chúng mà tôi không cần phải đi xa tìm quán ăn và mất nhiều thời gian nấu cơm mang theo”, chị Như Phương (27 tuổi, nhân viên lễ tân tại TP.HCM) chia sẻ.

Nhà cách công ty hơn 10 km, hôm nào trực ca sáng, chị Phương phải dậy từ 5h để sửa soạn và có mặt tại chỗ làm lúc chưa đến 6h. Do đó, chị dường như không có đủ thời gian để chuẩn bị cơm cho bữa trưa.

Tương tự, anh Quang Minh (23 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) cũng chọn lựa cửa hàng tiện lợi làm nơi để nghỉ ngơi và ăn trưa. Mặc dù công việc bắt đầu từ 9h sáng, anh Minh ngại nấu cơm và dọn rửa hộp vào cuối ngày.

“Thật ra, buổi sáng, tôi vẫn có đủ thời gian để nấu cơm, nhưng tôi lại thích ăn tại các cửa hàng tiện lợi hơn. Cửa hàng sạch sẽ, mát mẻ, và có nhiều lựa chọn từ cơm, miến, mì, súp, salad đến các món tráng miệng”, anh Minh cho biết.

Theo khảo sát, thói quen ăn uống tại cửa hàng tiện lợi không còn xa lạ đối với nhiều dân văn phòng. Nhiều người ghé vào các cửa hàng này khoảng hơn 11h để mua đồ ăn và ngồi nghỉ ngơi, trò chuyện với nhau. Một số cửa hàng tiện lợi đến khoảng 12h-12h30 đã hết chỗ ngồi và người mua phải xếp hàng dài để chờ hâm nóng thức ăn.

Trưa ăn mì gói, tối về ăn rau

Với vị trí lễ tân, chị Phương thường đi làm theo 2 ca, ca sáng 6-14h và ca tối 14-22h. Hôm nào làm ca chiều tối chị Phương sẽ có thời gian để nấu cơm mang đi làm, nhưng khi làm ca sáng chị sẽ chọn ăn tại cửa hàng tiện lợi.

Chị Phương thường chọn ăn mỳ gói và xúc xích cho bữa trưa vì không có đủ thời gian để chuẩn bị cơm. Ảnh: Nam Giao.

Mỗi buổi trưa khoảng 11h30, chị Phương sẽ đi bộ đến cửa hàng tiện lợi. Chị thường chọn ăn mì hay hủ tiếu vì chúng nấu nhanh, dễ ăn và có nhiều vị. Thỉnh thoảng chị sẽ mua thêm xúc xích và một vài món chiên ăn kèm.

Bữa trưa như thế hầu như không có chất xơ, nên bữa tối chị Phương sẽ ăn nhiều rau xanh hơn để bù lại. Ngoài ra, chị cũng chuẩn bị thêm trái cây để ăn vào bữa phụ.

Tương tự, thay vì đi ăn tại các hàng quán bên ngoài hay đặt đồ ăn về công ty, anh Minh thích đến các cửa hàng tiện lợi hơn.

“Trước đây, đến giờ nghỉ trưa, tôi và đồng nghiệp sẽ rủ nhau đặt đồ ăn. Chúng tôi thường đặt cơm trước 30 phút đến một tiếng vì quán cơm ở xa công ty. Tuy nhiên, gần đây tôi thích ăn ở cửa hàng tiện lợi cách công ty chưa đến 200 m vì tôi có thể thoải mái lựa chọn nhiều món ăn”, anh Minh nói.

Anh Minh cho hay đối với các món chế biến sẵn như cơm chiên, cơm nắm, mì Ý hay súp, anh chỉ cần chờ 2-3 phút hâm nóng. Nếu ăn mì ly, cửa hàng sẽ có không gian riêng để khách tự nấu. Sau khi ăn xong, anh thường mua thêm trái cây, bánh ngọt hay một ly cà phê và về lại công ty.

“Tôi thường chọn chỗ ngồi sát cửa sổ để vừa ăn vừa ngắm đường phố. Không gian tại cửa hàng tiện lợi rất thoải mái, sạch sẽ, đồ ăn thường bán theo combo với giá phải chăng nên mỗi trưa tôi đều ghé đây ăn”, anh Minh chia sẻ.

Tiện nhưng không lợi cho sức khỏe

Thực phẩm tiện lợi (hay còn gọi thực phẩm chế biến sẵn) là những món ăn được chuẩn bị và chế biến sẵn, sau đó bày bán trong các cửa hàng tiện lợi. Chúng có thể bao gồm súp ăn liền, đồ ăn nhẹ, cơm chiên, mì Ý và các món ăn chỉ cần hâm nóng trong lò vi sóng.

Như đúng tên gọi, những thực phẩm này đem đến cho người dùng sự “tiện lợi” và nhanh chóng, nhưng kèm theo đó là một số nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến sức khoẻ.

Theo trao đổi, ThS.BS. Đặng Ngọc Hùng, Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng, cho biết: “Về cơ bản, bữa ăn tiện lợi sẽ giúp chúng ta tiết kiệm thời gian cho những ngày quá bận rộn. Nhưng đây không phải là bữa ăn lành mạnh để ăn lâu dài”.

Bác sĩ Hùng cho hay bữa ăn tiện lợi thường chứa chất bảo quản để tránh hư hỏng. Ngoài ra, quá trình chế biến có thể khiến món ăn mất đi dưỡng chất cần thiết, đặc biệt là các loại vitamin.

Phương pháp chế biến thường thấy trong bữa ăn tiện lợi là chiên, xào hay nướng, điều này có thể khiến cho các chất trong thức ăn bị biến đổi. Ví dụ, chất béo ở nhiệt độ cao chuyển thành chất béo chuyển hóa (trans fat) hay chất đạm có nguy cơ biến thành chất độc.

Hơn hết, theo bác sĩ Hùng, đồ ăn có sẵn có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng và nấm mốc, gây ra các vụ ngộ độc.

Bữa ăn tiện lợi thường khó cân bằng về mặt dinh dưỡng vì chúng tập trung nhiều vào tinh bột, chất béo, chất đạm, thiếu chất xơ cũng như nghèo vitamin và khoáng chất. Do đó, trong trường hợp bận rộn, bạn có thể lựa chọn bữa ăn tiện lợi một đến hai buổi nhưng không nên xem nó là bữa ăn lành mạnh để ăn hàng ngày.

Ngoài ra, theo Quỹ Sức khoẻ và An toàn của Người Lao động Bắc Mỹ, thực phẩm chế biến có thể gây ra một số vấn đề sức khoẻ khác bao gồm:

– Tăng nguy cơ ung thư: Nghiên cứu kéo dài 5 năm với hơn 100.000 người cho thấy cứ tăng 10% mức tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến sẽ liên quan đến nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn 12%.

– Quá nhiều đường, natri và chất béo: Thực phẩm chế biến thường bao gồm đường bổ sung, natri và chất béo không lành mạnh, giúp cho thức ăn chúng ta ngon hơn. Nhưng hàm lượng những chất này quá nhiều sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như béo phì, bệnh tim, huyết áp cao và tiểu đường.

– Tiêu hóa nhanh hơn: Thực phẩm đã qua chế biến dễ tiêu hóa hơn thực phẩm toàn phần (chưa qua chế biến). Điều đó có nghĩa là cơ thể chúng ta đốt cháy ít năng lượng (calo) hơn để tiêu hóa chúng. Người ta ước tính cơ thể đốt cháy một nửa lượng calo để tiêu hóa thực phẩm đã qua chế biến so với thực phẩm toàn phần. Điều này có thể khiến chúng ta tiêu thụ nhiều calo hơn mức sử dụng, vô tình dẫn đến tăng cân.

– Nhiều chất nhân tạo: Khoảng 5.000 chất được thêm vào thức ăn của chúng ta. Hầu hết chất này chưa bao giờ được thử nghiệm bởi bất kỳ ai khác ngoài công ty sử dụng chúng. Điều đó bao gồm chất phụ gia để thay đổi màu sắc, kết cấu, hương vị và mùi cũng như các thành phần như chất bảo quản và chất làm ngọt.

Bên cạnh đó, bác sĩ Hùng gợi ý chúng ta có thể cân nhắc ăn một tô phở hay bún với nhiều rau để thay thế cho các thực phẩm này.

“Nếu bạn muốn có bữa ăn nhanh chóng, tiện lợi nhưng vẫn đảm bảo đủ chất và năng lượng, phở hay bún vẫn có thể đáp ứng đủ. Nó chứa khoảng 400 calo, tương đương 30-40% năng lượng cơ thể cần trong ngày. Tuy nhiên, về lâu dài, bữa cơm đầy đủ vẫn tốt nhất cho sức khỏe”, bác sĩ Hùng nói.

Theo Nam Giao (zing) – Ảnh: T.H