1. Dấu hiệu của táo bón
Lần cuối cùng bạn đại tiện là khi nào? Nếu đã một vài ngày, cơn đau bụng xuất hiện có thể là do táo bón, gây ra chuột rút và co thắt. Đây là dấu hiệu mà dạ dày đang cố thông báo cho bạn rằng có điều gì đó không ổn bên trong cơ thể. Bổ sung chất xơ vào thực đơn hàng ngày, uống nước, ăn nhiều hoa quả sẽ giúp bạn ngăn chặn tình trạng táo bón.
2. Biểu hiện của hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn chức năng của hệ tiêu hóa. Đây là một nhóm các triệu chứng gồm đau bụng đi kèm với đầy bụng, tình trạng tiêu chảy và táo bón thường xuyên.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích chưa rõ ràng, song stress là một yếu tố có thể khiến căn bệnh này trầm trọng hơn. Do đó, việc kiểm soát sự lo âu và giải tỏa căng thẳng là rất cần thiết để phòng tránh cũng như giúp cải thiện tình trạng bệnh.
3. Ăn phải thực phẩm bị nhiễm độc
Khi bạn ăn thực phẩm bị nhiễm độc có chứa các tác nhân gây bệnh như E. coli, salmonella hoặc giardia, bạn có thể bị viêm ruột già do nhiễm trùng gây ra đau bụng. Ngoài ra, nếu ăn phải những loại thực phẩm này, các triệu chứng khác bao gồm tiêu chảy, mất nước, sốt, đầy hơi, chuột rút cũng sẽ xuất hiện cùng với những cơn đau bụng.
4. Biểu hiện của bệnh ung thư buồng trứng
Đau bụng là một trong những biểu hiện sớm của ung thư buồng trứng. Nguy hiểm hơn, triệu chứng đau bụng vì nguyên nhân này thường dễ bị nhầm lẫn với các rối loạn thông thường nên không được chẩn đoán sớm.
Nếu cơn đau bụng của bạn xuất hiện thường xuyên cùng với các biểu hiện như chu kỳ kinh nguyệt diễn ra bất thường, thường xuyên bị đầy hơi, cảm giác no sớm khi ăn thì có khả năng bạn đã bị ung thư buồng trứng. Trong trường hợp này, bạn cần đến bác sĩ để yêu cầu được chẩn đoán kịp thời.
5. Tác dụng phụ của thuốc
Nếu bạn đang uống thuốc, những cơn đau bụng cũng có nhiều cơ hội xuất hiện hơn bởi những tác dụng phụ của loại thuốc đó. Bạn có thể nói chuyện với bác sĩ về việc thay thế các loại thuốc tương tự hoặc sử dụng thuốc hỗ trợ.
6. Stress
Bộ não với đường ruột có một mối liên hệ mật thiết với nhau. Vì vậy, stress có thể là nguyên nhân gây nên những cơn đau bụng bất thường. Để tránh gặp phải tình trạng này, bạn cần nghỉ ngơi, thường xuyên tập thể dục và ăn uống điều độ. Nếu những cơn đau vẫn tiếp diễn và càng ngày càng nghiêm trọng, hãy đến gặp ngay bác sĩ.
7. Do bị đầy hơi
Đầy hơi có thể chèn ép đại tràng và ruột. Vì vậy, hiện tượng này chính là nguyên nhân gây nên những cơn đau bụng. Bạn cần hạn chế các thực phẩm nếu xuất hiện cảm giác khó tiêu sau khi ăn chúng.
8. Biểu hiện của bệnh viêm ruột
Viêm ruột là tên gọi chung của một nhóm các triệu chứng viêm mãn tính ở một số phần của ruột. Các thành ruột trở nên sưng và dẫn đến viêm loét, gây ra những cơn đau thường xuyên. Các triệu chứng đi kèm với đau bụng là tiêu chảy, sốt, mất cảm giác ngon miệng.
Ngoài ra, bạn sẽ thường xuyên cảm thấy đau đầu choáng váng cũng như buồn nôn hoặc bị nôn mửa. Nếu bạn không nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được chữa trị, sự viêm nhiễm có thể tiến triển trầm trọng hơn đến mức cần phải phẫu thuật.
Ngoài viêm nhiễm ruột, đau bụng còn có thể là dấu hiệu của chứng viêm ruột thừa. Đặc trưng của cơn đau do viêm ruột thừa là xuất hiện đột ngột và đau đớn, vị trí xuất hiện là ở vùng bụng dưới phía bên phải. Tình trạng viêm ruột thừa có tính khẩn cấp và cần phải được thực hiện phẫu thuật càng sớm càng tốt.
9. Biểu hiện của sỏi thận
Vị trí cơn đau do sỏi thận thường nằm ở vùng bụng dưới sườn, nghiêng về mặt lưng, ở một hoặc cả hai bên cơ thể, hoặc cơn đau có thể nằm ở vùng hạ sườn, lan xuống đến phần háng. Các cơn đau này có thể kéo dài âm ỉ trong vài giờ hoặc thời gian lâu hơn.
Nguyên nhân gây ra sự đau đớn này thường do các viên sỏi có kích thước lớn bị tắc lại trong đường tiết niệu, gây co bóp, tăng áp lực lên thận và gây đau.
10. Dị ứng với thực phẩm
Dị ứng với thực phẩm là nguyên nhân phổ biến gây đau bụng. Chúng tạo ra sự những cơn kích thích trong hệ thống dạ dày- ruột. Khi gặp phải tình trạng này, bạn sẽ bị tấn công bởi những cơn đau bụng sau bữa ăn. Vì vậy, chúng ta cần hạn chế các loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao bao gồm bơ sữa, hải sản và đồ ăn nhiều tinh bột.