Có lẽ mỗi chị em đều từng hỏi “núm vú bị đau là bệnh gì” mỗi khi trải qua tình trạng đau “nhũ hoa” mà không rõ lý do. Theo đó, núm vú bị đau là hiện tượng vùng bầu vú, quầng vú và núm ti có cảm giác đau nhói khó chịu, ngay cả khi không chạm vào cũng đau âm ỉ. Tình trạng này có thể kéo dài trong 1 ngày hoặc một vài ngày tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Những cơn đau ở “nhũ hoa” luôn khiến phụ nữ cảm thấy khó chịu, nhưng phần lớn họ lại xấu hổ, e ngại khi đi gặp bác sĩ nên mặc kệ để nó bớt đau. Tuy nhiên, không phải tình trạng đau núm vú nào cũng lành tính và tự khỏi, bởi trong một số trường hợp thì nó là dấu hiệu cảnh báo ban đầu của 5 loại bệnh này.
Núm vú bị đau là bệnh gì?
– Do sự rối loạn của nội tiết tố
– Nhiễm trùng vú
– Nứt núm vú
– Ung thư vú
– Do bệnh da liễu gây nên
Cụ thể như sau:
1. Do sự rối loạn của nội tiết tố
Trong chu kỳ kinh nguyệt, các hormone như estrogen và progesterone liên tục tăng và giảm thất thường. Những sự thay đổi về nội tiết sẽ kích thích cơ thể phụ nữ tạo nhiều mô vú hơn và gây đau núm vú dữ dội. Tình trạng rối loạn này có thể làm núm vú sưng lên và mềm nhũn ra cho đến khi hormone ổn định lại.
“Hormone trong cơ thể phụ nữ luôn dao động bất thường và cao đỉnh điểm khoảng 2 tuần trước khi có kinh. Lúc này, chúng sẽ kích thích tuyến sữa trong vú hoạt động mạnh hơn và dẫn đến đau núm vú” – Cara Delaney, bác sĩ phụ khoa và giảng viên tại trường Đại học Boston (Mỹ) cho biết.
Cũng theo bác sĩ Cara, những cơn đau này sẽ bắt đầu giảm bớt khi chị em bắt đầu hành kinh và tự động khỏi, nhưng nếu bạn không hết đau thì bắt buộc phải đi khám ngay.
2. Nhiễm trùng vú
Vú và núm vú hoàn toàn có thể bị nhiễm trùng thông qua các vết nứt trên da. Phụ nữ hay gặp phải tình trạng này khi đang cho con bú, hoặc bất cứ lúc nào da bị nứt nẻ hoặc có vết thương hở. Nhiễm trùng sẽ làm vú bị sưng lên và chèn ép các ống dẫn sữa, từ đó làm núm vú bị tắc nghẽn rồi dẫn đến đau nhói.
Theo bác sĩ Cara, nếu xuất hiện một trong số những triệu chứng này thì có nghĩa bạn đang bị nhiễm trùng vú:
– Đau nhói dài ngày ở toàn bộ vú hoặc núm vú.
– Sưng, thấy nóng rát ở núm vú.
– Sốt, ớn lạnh và xuất hiện những triệu chứng như bệnh cúm.
Tình trạng này cần phải phát hiện sớm và có biện pháp chữa trị, nhằm ngăn chặn những tác hại về sau. Điều quan trọng là bạn phải đi khám càng sớm càng tốt để tiến hành điều trị bằng kháng sinh.
3. Nứt núm vú
Tình trạng này xuất hiện khi phần “nhũ hoa” cọ xát liên tục với quần áo, hoặc do ma sát khi chị em quan hệ tình dục. Bệnh cũng hay thấy ở những người sống trong thời tiết lạnh, không khí hanh khô khiến da mất đi độ ẩm và gây nứt nẻ ở núm vú. Lúc này, phần núm vú sẽ cứng lên và đau rát khó chịu.
Nếu mắc phải bệnh nứt núm vú, bạn có thể sử dụng kem dưỡng ẩm để thoa lên nhằm cấp ẩm cho da. Bên cạnh đó, chị em hãy mặc áo ngực vừa vặn, không quá chật hay quá rộng để đảm bảo sức khỏe.
4. Ung thư vú
Trong một số trường hợp hiếm, tình trạng đau núm vú là dấu hiệu ban đầu của bệnh ung thư vú đáng sợ, đặc biệt là nếu chỉ một bên “nhũ hoa” bị ảnh hưởng. Nếu bạn xuất hiện thêm bất kỳ triệu chứng nào như dưới đây, hãy đến bệnh viện để tầm soát ung thư vú sớm nhất có thể:
– Xuất hiện một khối u cứng trong vú, có thể đau hoặc không.
– Sưng vú kéo dài không khỏi.
– Núm vú bị thụt vào trong.
– Da trên núm vú bị chuyển sang màu đỏ và đóng vảy.
– Có dịch lạ tiết ra từ núm vú của bạn.
Để biết rõ mình bị đau núm vú là biểu hiện của bệnh gì, các chị em cần theo dõi cơ thể trong 2-3 ngày. Nếu tình trạng đau thuyên giảm, khi sờ tay không thấy có cục u thì không nên quá lo lắng. Còn ngược lại thì phải cảnh giác cao độ và chủ động đi khám ngay.
5. Do bệnh da liễu gây nên
Núm vú bị đau có thể là dấu hiệu của bệnh chàm hoặc một số vấn đề khác về da. Cụ thể, các bệnh da liễu có thể khiến da trở nên khô, dễ bị kích thích và dẫn đến đau nhức núm vú. Bên cạnh đó, việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có chứa các chất như formaldehyde hay methylisothiazolinone… cũng có thể gây dị ứng và kích thích đau núm vú không rõ nguyên nhân.
Khi bị đau núm vú do dị ứng hoặc bệnh da liễu, bạn sẽ thấy vú của mình bị khô và đóng vảy, kèm theo đau nhức và ngứa ran khó chịu. Lúc này, chị em nên dừng ngay các sản phẩm chăm sóc da xem bệnh có thuyên giảm hay không. Nếu vẫn thấy đau thì phải đến bác sĩ da liễu để được chẩn đoán chính xác.