Đây cũng là cuốn sách thuần nữ: nữ tác giả Marilyn Yalom (Mỹ), nữ dịch giả Nguyễn Thị Minh và Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam.
Công trình đầy hấp dẫn về vú phụ nữ
Tên sách là Lịch sử vú, nhưng tôi lại muốn gọi là Bách khoa thư về vú bởi vì cuốn sách là công trình khoa học liên ngành rất xuất sắc, thuyết phục và đấy hấp dẫn về vú phụ nữ.
Đọc Lịch sử vú của Marilyn Yalom mới thấy tri thức về vú của mình rất nghèo nàn và hạn hẹp. Thông thường ta nhìn nhận về vú ở chức năng làm mẹ và chức năng tình dục. Nhưng không chỉ thế, thực ra, lịch sử mấy ngàn năm của loài người là lịch sử vú và lịch sử vú là lịch sử của văn minh.
Theo trình tự 9 chương sách: “Vú linh thiêng”, “Vú gợi dục”, “Vú quốc dân”, “Vú chính trị”, “Vú tâm lý”, “Vú thương mại”, “Vú y học”, “Vú tự do” và “Vú trong khủng hoảng”, tác giả cho người đọc nhìn thấy mối liên hệ mật thiết giữa bầu vú người phụ nữ với lịch sử phát triển của nhân loại qua góc nhìn tôn giáo, triết học, nghệ thuật, pháp luật, chính trị, thương mại, y học…
Vú nồng nàn và say đắm trong ly rượu đầu tiên của truyền thống Hy Lạp, vú khêu gợi trong thời kỳ Phục hưng, vú linh thiêng vào cuối thời Trung cổ, vú tự do trong Cách mạng Tư sản Pháp, vú chính trị hóa trong hoạt động tuyên truyền của hai cuộc thế chiến…
Vú “thổi bùng lên ngọn lửa” của thơ ca. Khi các thi sĩ làm thơ về cõi chết, họ gọi nó là nơi “không có vú”.
Vú là nguồn cảm hứng bất tận của hội họa. Với các họa sĩ thời Phục hưng, bầu vú mang lại “một cảm giác mới về vẻ đẹp nữ tính”, bầu vú “là một phần của khuôn mặt”. Vú có thể làm tan chảy những con người sắt đá nhất.
Vú có khả năng thương mại gần như vô tận. Chúng không chỉ sinh ra các sản phẩm liên quan, chẳng hạn như áo vú và kem dưỡng thể, mà khi được đặt bên cạnh xe hơi, đồ uống, nghệ thuật, truyền thông, giải trí và tất tần tật những gì khác, chúng cũng thúc đẩy doanh số bán những mặt hàng đó. “Với một bầu vú, bạn có thể bán bất cứ thứ gì bạn muốn”!
Vú nhận được mối quan tâm của các bác sĩ y khoa trong hai lĩnh vực chính: một lĩnh vực tập trung vào việc cho con bú, lĩnh vực kia là bệnh tật. Theo thời gian, vú đã khoác lên mình rồi cởi bỏ những chiếc áo mang màu sắc tôn giáo, gợi tình, quốc dân, chính trị, tâm lý và thương mại.
Ngày nay, nó phản ánh cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu khi tỉ lệ người bị ung thư vú ngày một gia tăng. Thật đáng suy ngẫm, khi mà chỉ lúc lâm trọng bệnh, bầu vú mới thực sự là của riêng người phụ nữ. Con cái, chồng, người yêu, người thân, bạn bè chỉ có thể an ủi chứ không thể làm gì hơn.
Chúng ta sẽ thành công trong việc kiểm soát và thậm chí đảo ngược sự phát triển của ung thư vú? Nếu vậy, đây sẽ là một chiến thắng không chỉ cho phụ nữ mà cho tất cả nhân loại – cho bản thân đời sống khi đối mặt với mọi thứ đe dọa hủy diệt ta.
“Hãy cứu lấy bầu vú” là khẩu hiệu mà cả thế giới có thể đồng tình.
Vú là lịch sử, là nhân loại, là thế giới
Đọc xong Lịch sử vú, chợt nhận ra rằng: cao hay thấp, to hay nhỏ, rắn chắc hay lõng thõng, nguyên bản hay can thiệp, mặc nịt vú hay thả rông, vén vú cho con bú ở nơi công cộng hay không… tất cả không chỉ là thị hiếu thẩm mỹ mang tính nhục thể mà đều là những diễn ngôn tinh thần về vú.
Vú là lịch sử, là nhân loại, là thế giới. Từ mỗi góc nhìn, vú là một thực tại khác nhau. Trẻ sơ sinh nhìn thấy thức ăn. Đàn ông thấy tình dục. Các bác sĩ thấy bệnh tật. Doanh nhân nhìn thấy những dấu hiệu của đôla. Những người có quyền uy trong tôn giáo biến vú thành biểu tượng tinh thần, trong khi các chính trị gia chiếm dụng nó vì mục đích dân tộc chủ nghĩa. Những nhà phân tâm học đặt vú vào trung tâm của vô thức.
Tính đa nguyên này của ý nghĩa gợi ra vị trí đặc quyền của vú trong trí tưởng tượng của con người. Còn chủ nhân đích thực của các bầu vú thì sao?
Bản thân phụ nữ có xem bầu vú của họ là biểu tượng của tình yêu tôn giáo hoặc chính trị không? Họ có chấp nhận quan niệm rằng bầu vú của họ thuộc về miệng trẻ nhỏ và bàn tay nam giới hay không? Người phụ nữ ở đâu trong tất cả những quan niệm này? Họ đã nghĩ gì và cảm thấy thế nào?… Đó là những điều lắng đọng lại trong người đọc từ những suy tư về vú.
Vú của Eva, của Đức mẹ Đồng trinh, của nữ thần Hera – vợ thần Zeus, của nữ thần tình yêu Aphrodite, của Nữ thần Tự Do, của các nữ chiến binh Amazon, của các bà mẹ cho con bú, các nhũ mẫu đủ màu da, các tình nhân hoàng gia, các cô gái thanh lâu, các cô người mẫu, các bệnh nhân ung thư vú…; lúc như quả ngư lôi, lúc mang hình viên đạn; lúc là trái táo, khi là trái dâu tây; lúc càng to càng tốt, khi càng nhỏ càng sang… Vú với vô vàn sắc thái và sự trình hiện khác nhau ngập tràn trong 500 trang sách của Marilyn Yalom.
Với giọng văn khi sôi nổi khi chùng lắng, khi nghiêm túc khi hài hước nhưng luôn sắc sảo và thuyết phục bằng những luận chứng xác đáng từ 283 tư liệu tham khảo và 99 hình ảnh đầy ấn tượng, Lịch sử vú là một công trình đồ sộ giàu tính chinh phục. Cuốn sách được xem là công trình mở đầu cho nghiên cứu liên ngành về cơ thể với nhiều góc nhìn nữ quyền sâu sắc và táo bạo này được làm nên bởi một người phụ nữ suốt đời đam mê học thuật.
Chuyển tải Lịch sử vú sang tiếng Việt một cách thành công khi phải đối mặt với vô số từ ngữ thuộc kiến thức đa ngành, lại viết lời giới thiệu về tác giả và nội dung cuốn sách một cách khúc chiết và đầy cảm xúc, việc này cũng được làm bởi một người phụ nữ – nhà khoa học – nhà giáo – dịch giả trẻ Nguyễn Thị Minh (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM).
Lắng nghe tiếng nói, hơi thở, niềm vui, nỗi đau, khát vọng, các giá trị xã hội của bầu vú trong quá khứ, hiện tại và tương lai qua tác phẩm Lịch sử vú làm tăng giá trị cho Phụ Nữ Tùng Thư khi đặt nó vào tủ sách; việc này cũng chỉ Nhà xuất bản Phụ Nữ mới đủ mẫn cảm, thấu cảm và tâm huyết để thực hiện.
Như thế, quả là chỉ – phụ – nữ – mới – có – thể – làm – nổi!
Dĩ nhiên, về phía người đọc thì bất phân nam nữ, chúng ta hãy cứ đọc đi. Cuốn sách này sẽ cho bạn “suy nghĩ về vú phụ nữ theo cách bạn chưa từng mường tượng trước đây” – như câu mở đầu đầy “khiêu khích” của tác giả.
Hình vẽ trên thân máy bay (Boeing B-17, không quân Anh) trong Chiến tranh thế giới thứ hai nhập làm một giữa vú, nguy hiểm, sự hủy diệt và chiến thắng – Ảnh trong sách
Trong suốt thế kỷ XX, vú của phụ nữ đã bị các chính phủ khác nhau chính trị hóa vì nhiều nguyên nhân, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh. Ở Mỹ, từ năm 1942 đến cuối năm 1945, khoảng sáu triệu bản Esquire có hình người đẹp Alberto Vargas vú trần đã được gửi miễn phí cho binh lính để “nâng cao tinh thần” của quân đội Hoa Kỳ.
Những người đàn ông chiến đấu ở nước ngoài nhìn vào vú phụ nữ như một lời nhắc nhở về những giá trị mà chiến tranh đã hủy hoại: tình yêu, sự gần gũi, sự nuôi dưỡng. Bầu vú trở thành biểu tượng nữ tính truyền cảm hứng cho lòng dũng cảm của nam giới. Đồng thời, bầu vú còn là phần thưởng, là lời hứa hẹn khi chúng sẵn sàng làm vợ và làm mẹ cho người trở về sau cuộc chiến chinh.