Báo động tình trạng bệnh tật ngày càng trẻ hoá
Độ tuổi thanh niên là giai đoạn cơ thể đạt được thể trạng tốt nhất, có nhiều điều kiện thuận lợi về sức khỏe để tích cực tham gia học tập, lao động và khám phá cuộc sống. Tuy nhiên, tại Việt Nam, những năm trở lại đây, các chuyên gia cảnh báo tình trạng trẻ hóa bệnh tật ở bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên đang ở mức báo động.
Nếu năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị cao huyết áp, đến năm 2009 tỷ lệ này là 25,4% và năm 2016 tỷ lệ người lớn bị cao huyết áp ở mức báo động là 48%… Trường hợp bệnh nhân ở Hà Nội phát hiện bị sỏi mật từ năm lên lớp 9 hay bệnh nhi 13 tuổi nhập viện Bạch Mai được chẩn đoán mắc tiểu đường type 2… và không ít bệnh nhân nhập viện điều trị ung thư khi mới ở độ tuổi 20, 21 đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tỉ lệ gia tăng nhanh chóng của bệnh tật hiểm nghèo ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Căn nguyên dẫn đến tình trạng mắc bệnh nan y, mãn tính ngày càng trẻ hóa là do lối sống thiếu lành mạnh như: Sử dụng sớm và lạm dụng quá mức các chất kích thích, rượu bia, thuốc lá; chế độ ăn không khoa học, ăn nhiều đồ ăn nhanh và thực phẩm đóng hộp dẫn đến sự thiếu hụt những vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể nhưng lại dư thừa lượng đường, chất béo tích lũy khiến cơ thể phát triển mất cân đối và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật.
Cùng với mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu vận động thể lực cũng là nguyên nhân quan trọng gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và sự phát triển toàn diện của người dân nói chung và giới trẻ nói riêng. Thói quen ngồi lì tại văn phòng làm việc hoặc sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài đang khiến người trẻ mất đi nhu cầu tham gia các hoạt động thể chất.
Tăng cường vận động – Giải pháp cho thế hệ tương lai
Khẳng định vai trò của giáo dục thể chất với sự phát triển toàn diện của thanh thiếu niên, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD-ĐT) cho rằng, nhiều quan điểm coi giáo dục thể chất là môn thể dục là chưa chuẩn xác.
“Giáo dục thể chất không chỉ là việc xếp hàng, tập đội hình đội ngũ, mà là một bộ môn chuyên biệt, với các kiến thức về vận động và sự phát triển có chủ đích các tố chất của con người. Bên cạnh đó, thông qua việc rèn luyện thể dục thể thao, thể lực của trẻ em Việt Nam sẽ ngày càng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, từ đó góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc và cải tạo nòi giống Việt Nam” – Ông Nguyễn Thanh Đề nói.
Hướng tới mục tiêu cải thiện tầm vóc của học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung vào hai nội dung chính là dinh dưỡng học đường và phát triển giáo dục thể chất, thể thao trường học, đồng thời huy động nguồn kinh phí xã hội hóa với sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Riêng về thể thao trường học, mới đây nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên kế hoạch tổ chức một chuỗi chương trình truyền thông cho hoạt động này, mở đầu là giải chạy S-Race dành riêng cho học sinh sinh viên toàn quốc với thông điệp Vì tầm vóc Việt.
Ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH (đơn vị sở hữu thương hiệu TH true MILK và có nhiều hoạt động tiên phong trong về dinh dưỡng và đồng hành phát triển thể thao học đường) chia sẻ: “Trong các hoạt động dành cho trẻ em nói chung và học sinh nói riêng, Tập đoàn TH luôn mong muốn không chỉ góp phần cải thiện về dinh dưỡng mà còn hướng tới xây dựng các hoạt động rèn luyện thể chất, để tạo ra hiệu quả tốt nhất về tầm vóc, thể lực cho trẻ em Việt Nam”. Đây cũng chính là lý do lớn nhất khiến TH quyết định trở thành nhà tài trợ chính của giải chạy S-Race 2020.
Vừa diễn ra sáng 27/12/2020 tại thành phố Vinh – Nghệ An, S-Race 2020, mùa đầu tiên của giải chạy dành riêng cho học sinh sinh viên toàn quốc đã thu hút hơn 3.500 bạn trẻ tại các trường THCS, THPT và đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. S-Race dự kiến trở thành giải chạy thường niên với quy mô lớn nhằm xây dựng sân chơi thể thao lành mạnh, nâng cao nhận thức và lan tỏa thói quen vận động cho thế hệ trẻ Việt Nam.