Đó chỉ mới là những việc làm khá đơn lẻ, khó có thể hy vọng sẽ làm thay đổi một cách nhanh chóng và toàn diện thực trạng về chất lượng và mức độ an toàn của thị trường thực phẩm hiện nay, nhưng dẫu sao, cũng đã là niềm mơ ước của biết bao người dân, trong suốt nhiều năm qua.
Bởi, trong thời gian dài dễ đến hàng chục năm, phần lớn người dân đã phải chịu đựng rất nhiều mối đe dọa của thực phẩm bẩn. Vì họ buộc phải ăn để duy trì cuộc sống, nhưng không thể nào biết được những thứ mình ăn vào cơ thể là chất dinh dưỡng hay những liều độc dược. Ngày ngày, họ phải bỏ tiền ra để mua những thứ mà chính bản thân họ không dám tin trong đó không có những thứ độc hại, có thể giết dần giết mòn con người.
Những số liệu về sự gia tăng bệnh nan y, mãn tính, đặc biệt là bệnh ung thư, luôn là nỗi ám ảnh trong những bữa ăn – dẫu là sang trọng, với mâm cao cỗ đầy, hay chỉ là những rau quả đạm bạc. Vì thế mà nhiều người, dẫu chưa giàu có, vẫn phải chấp nhận tốn thật nhiều tiền, đi thật xa, kỳ công tìm kiếm, để có thể mua được thực phẩm sạch. Nhưng trên thực tế, chưa có cơ sở nào để niềm tin của họ bấu víu vào được!
Họ cần lắm sự công khai thông tin về nguồn gốc thực phẩm, xác định rõ mức độ vi phạm của những con người, địa chỉ cụ thể, và hình thức xử phạt thật nghiêm minh. Nhưng có vẻ như điều đó là quá “xa xỉ” khi hầu như mọi thông tin họ có được đều sơ sài và không đảm bảo về mức độ tin cậy. Đến nỗi, nhiều bà nội trợ từng tâm sự rằng, chỉ cần nghe người bán hàng nói rằng, miếng thịt này là “thịt sạch”, bó rau kia là “rau sạch”, được nuôi trồng bằng công nghệ của… người sao Hỏa, thì cũng đã… mừng húm như bắt được vàng.
Thế rồi, nhiều lần họ cũng phải thất vọng tràn trề khi thấy hôm nay báo chí thông tin nơi này bắt được cơ sở này kinh doanh, chế biến thực phẩm bẩn, nơi kia phát hiện công ty nọ sử dụng phụ gia, hóa chất độc hại, nhưng rồi sau khi cơ quan chức năng “vào cuộc” thì lại… “trắng án”.
Người tiêu dùng luôn bối rối trước mê hồn trận vệ sinh thực phẩm, không biết mua gì và mua ở đâu là an toàn, vì thiếu thông tin. Sự hoài nghi dâng lên cao độ, khiến người tiêu dùng nghi ngờ ngay cả những nhà sản xuất chân chính, khiến họ phải nhiều phen khốn đốn.
Nhưng, lần này thì có lẽ mọi chuyện sẽ khác. Chỉ còn ít ngày nữa thôi, người dân TPHCM (và cả tỉnh Đồng Nai) đã có thể sử dụng smartphone để biết chắc xuất xứ và chất lượng của những miếng thịt heo – chỉ với một thao tác đơn giản. Còn ở Hà Nội, 3 chiếc xe kiểm tra an toàn thực phẩm lưu động sẽ thực hiện nhiệm của các đội kiểm tra thực phẩm lưu động, trước mắt có thể kiểm tra nhanh trên 10 chỉ tiêu về hàn the, tồn dư tinh bột trên chén ăn, chỉ số ôi khét của dầu mỡ, dư lượng một số hóa chất bảo vệ thực vật…
Cùng với đó là nhiều phiên chợ xanh – an toàn liên tục được tổ chức tại TPHCM, còn trên cả nước thì hiện có gần 100 địa chỉ cung cấp thực phẩm an toàn được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) công bố. Thời gian tới sẽ còn được tiếp tục mở rộng với nhiều cái tên mới.
Với những giải pháp trước mắt, khi kết quả kiểm tra nhanh được công bố tại chợ, nguồn gốc và chất lượng thực phẩm được công khai, thì chắc chắn thực phẩm nào sạch – bẩn sẽ phân định rõ ràng, người tiêu dùng cứ căn cứ vào đó mà lựa chọn.
Trước mắt như vậy là “tạm ổn”. Dẫu sao thì niềm tin cũng đã có chỗ dựa, để có thể tồn tại trong mỗi con người. Nhưng điều mà cộng đồng mong muốn hơn, đó là những việc nói trên chỉ là màn khởi đầu cho một loạt các hoạt động, biện pháp đồng bộ để quản lý an toàn thực phẩm trên phạm vi cả nước một cách cơ bản, bền vững.
Hiện thời, ngân sách chi cho quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam chỉ bằng khoảng 12%, thậm chí còn thấp hơn, so với nhiều nước trong khu vực. Đó có lẽ là điều cần phải cải thiện. Bởi bỏ tiền để tạo dựng được niềm tin cho người tiêu dùng, để mang lại sự an toàn cho mỗi bữa ăn của người dân, thì khoản chi phí đó thật “đáng đồng tiền bát gạo”!