Bệnh dễ gặp ở người đẻ nhiều, thiếu đạm, tuổi cao
Ngay từ cái tên “chửa trứng”, có lẽ phần nào đó đã giúp chúng ta hình dung được căn bệnh này là gì. Theo đó, chửa trứng là hiện tượng một phần hay toàn bộ bánh rau bị thoái hóa thành các túi dịch to, nhỏ nhiều kích cỡ. Các túi dịch này dính vào nhau thành từng chùm giống như chùm nho.
Chửa trứng được chia làm 2 loại: toàn phần và bán phần. Toàn phần có nghĩa là không có tổ chức thai (do trứng đã hỏng từ quá trình phân bào) mà chỉ có các túi dịch phát triển to dần. Trong khi đó, chửa trứng bán phần thì vừa có tổ chức thai (hoặc 1 phần thai), vừa có các túi dịch.
Một câu hỏi được đặt ra ở đây là: với chửa trứng bán phần, thai nhi có thể phát triển được không? Trả lời vấn đề này, Ths. Lê Lan Anh, chuyên gia tư vấn sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục (chương trình tư vấn Tâm sự bạn trẻ) khẳng định: dù tổ chức thai này vẫn còn sống tại thời điểm phát hiện thì nó cũng không thể phát triển do phần cung cấp dinh dưỡng là bánh rau gặp vấn đề.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, ở nước ta, tỷ lệ mắc chửa trứng rơi vào khoảng 1/500. Trong khi đó, tại các nước châu Âu, tỉ lệ này là 1/2.000 người.
Nhiều người nghĩ rằng: ở các nước phát triển, điều kiện chăm sóc y tế tốt nên bệnh này ít xảy ra. Tuy nhiên, thực tế thì không hoàn toàn như vậy.
Tính đến thời điểm này, nguyên nhân của chửa trứng vẫn chưa được phát hiện chính xác, tuy nhiên, dựa trên các ca bệnh thực tế, các chuyên gia nhận thấy rằng: nó thường rơi vào các trường hợp đẻ nhiều, suy dinh dưỡng (chủ yếu là thiếu đạm), hay tuổi cao (nếu thai phụ trên 40 tuổi thì nguy cơ chửa trứng nhiều hơn những người ở đột tuổi 21 – 35 đến 5,2 lần).
Ra máu, nghén nặng, chửa to: Coi chừng mắc bệnh
Là một bất thường về thai nghén nên chửa trứng luôn có dấu hiệu nhận biết, tuy nhiên, lại không đặc thù. Cụ thể, người chửa trứng thường bị ra máu khi mang thai (hay nhầm với dấu hiệu dọa sẩy), nghén nặng (nôn nhiều)…
Theo Ths. Lan Anh, với những trường hợp chửa trứng toàn phần, thai phụ có thể dễ dàng phát hiện khi siêu âm không thấy tim thai, không thấy hình ảnh thai. Tuy nhiên, với chửa trứng bán phần, nhất là khi thai nhi vẫn còn sống thì việc phát hiện bệnh vất vả hơn. Bệnh thường chỉ được nhận biết chính xác ở giữa thai kỳ. Khi đó, các bất thường mới được nhìn rõ bằng siêu âm. Đồng thời, nếu thực hiện xét nghiệm nước tiểu sẽ thấy nồng độ HCG ở mức cao quá mức.
Cần loại bỏ thai sớm
Bởi vì thai trứng dù bán phần hay toàn phần sớm muộn gì cũng bị hỏng, hơn nữa, nếu để tự sảy thì sẽ vô cùng nguy hiểm, thế nên, nếu phát hiện, cần nhanh chóng thực hiện thủ thuật loại bỏ.
Trên thực tế, nếu để lâu trong bụng, thai chứng có thể dẫn đến các biến chứng như: thủng cơ tử cung, chảy máu ổ bụng… Nhiều trường hợp thậm chí còn phải cắt bỏ tử cung để bảo toàn tính mạng của người mẹ. Khoảng 2-3% trường hợp khác lại biến chứng thành ung thư nhau thai vô cùng nguy hiểm.
Dù có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe, thế nhưng, sự thực thì đến 80% chửa trứng là lành tính. Tuy nhiên, sau khi thực hiện thủ thuật vẫn cần được theo dõi chặt chẽ. Người từng chửa trứng cũng được khuyên là không nên mang thai ngay. Thời gian lý tưởng để thụ thai nên là 2 năm sau đó (nhất là với những trường hợp phải tiến hành mổ để loại bỏ thai).
Ước tính, tỷ lệ mang thai trứng lần 2 ở một người phụ nữ chỉ chiếm 1-2%, song để an toàn, chúng ta vẫn nên cảnh giác bằng cách theo dõi chặt chẽ thai kỳ tiếp theo, nhất là trong giai đoạn 3 tháng đầu tiên. Ngoài vấn đề này ra, bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi mang bầu vì những người chửa trứng vẫn có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh.