Lễ cúng đêm Giao thừa hay còn gọi là lễ “trừ tịch” được thực hiện với ý nghĩa tiễn đưa những điều xui xẻo của năm cũ để đón điều tốt đẹp trong năm mới. Lễ thường được tiến hành vào giờ chính Tý, tức đúng 12 giờ đêm hôm 30 tháng Chạp.
Lễ Giao thừa trong dân gian có thể hiểu như là buổi tiệc để “tống cựu nghinh tân”, tiễn đưa năm cũ và tiếp đón năm mới.
Đây cũng là tập tục đẹp thể hiện sự tri ân báo đức với tổ tiên, cũng như bày tỏ lòng mong ước được bình an, hạnh phúc và ấm no. Nhiều nơi, lễ cúng Giao thừa cũng là lễ rước ông bà về ăn Tết với con cháu.
Đầu tiên sắp đầy đủ một mâm lễ được trình bày gọn gàng với tất cả lòng thành của gia chủ đối với tổ tiên và các vị thần. Đối với việc cúng giao thừa trong nhà bạn có thể đặt lễ trên ban thờ, hoặc trên một chiếc bàn nhỏ ngay dưới ban thờ.
Còn cúng giao thừa ngoài trời thì đặt lễ trên một chiếc bàn nhỏ ở ngoài trước cửa ra vào. Đặc biệt, đồ cúng mặn, không được phép để lên trên bàn thờ mà chỉ để ở mâm phía dưới, thấp hơn so với bàn thờ chính.
Đến đúng khoảng khắc chuyển giao năm cũ và năm mới thì thắp hương, thắp nến (đèn) và đọc văn khấn giao thừa ngoài trời. Sau khi cúng xong gia chủ khấn Thổ công – vị thần cai quản trong nhà và xin phép cho tổ tiên về ăn tết cùng gia đình.
Phong tục cúng giao thừa của người Nam Bộ thì Thổ Công thay thế bằng Ông Địa (bàn thờ Ông Địa được đặt trên mặt đất). Khấn xong Ông Địa thì coi như Tết đã thực sự về với gia đình của gia chủ.