Bài viết có tham khảo tài liệu từ AC Gym và Webmd.
Tam chứng ở phụ nữ, hay còn gọi là “bộ ba hội chứng rối loạn” (Female Athlete Triad).
Khi bị mắc phải “tam chứng”, phụ nữ sẽ gặp các vấn đề như sau:
– Mất cân bằng năng lượng, dẫn tới rối loạn ăn uống.
– Rối loạn kinh nguyệt (Thậm chí vô kinh).
– Gặp phải nhiều triệu chứng của bệnh loãng xương.
Mất cân bằng năng lượng
Đặc trưng bởi nỗi sợ hãi về tăng cân, những rối loạn ăn uống (eating disorders) nhất định sẽ dẫn tới những hạn chế khắt khe về cung cấp thực phẩm cho cơ thể. Kết quả, nhiều người bị giảm cân đột ngột hoặc luôn có cảm giác đói. Phụ nữ thường quan tâm quá nhiều tới vóc dáng bên ngoài và cân năng của họ nên không thể tránh khỏi tình trạng như vậy.
Tuy nhiên, việc thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết có thể khiến cơ thể bị thiếu các thành phần quan trọng như protein, sắt, canxi và kẽm trong chế độ ăn. Ngoài ra, việc lạm dụng các phương pháp nhịn ăn thường xuyên, uống thuốc giảm cân, thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng hay bắt chước một phương pháp giảm cân nào đó mà không hiểu rõ bản chất có thể sẽ gây tác động tiêu cực tới tâm lý như chán nản, chán ăn và mệt mỏi liên tục.
Rối loạn kinh nguyệt (thậm chí vô kinh)
Việc mất cân bằng năng lượng, kết hợp với rối loạn ăn uống, sẽ gián tiếp đưa cơ thể vào trạng thái hoạt động trái với tự nhiên, cụ thể là:
Làm gián đoạn các hoạt động của hệ nội tiết như: Giảm khả năng điều tiết của Hormone điều khống gonadotrophine (GnRH) trong tuyến yên, Hormone FSH và LH (kích thích nang trứng và thể vàng).
Sự gián đoạn này có tác động trực tiếp tới chức năng của hệ trục bao gồm não bộ – tuyến yên – buồng trứng, làm cho hệ trục này bị phá vỡ, từ đó làm giảm nội tiết tố nữ (Estrogen) và gây ra hiện tượng rối loạn kinh nguyện hoặc vô kinh, biểu hiện là:
– Trễ kinh: Chu kỳ kinh nguyệt của người bệnh kéo dài hơn mức bình thường (khoảng 35,36 ngày, thậm chí lâu hơn)
– Vô kinh: Tình trạng này nặng hơn rất nhiều, người bệnh hoàn toàn vô kinh trong khoảng từ 3-6 tháng (lâu hơn nếu tình trạng nặng hơn).
Mắc bệnh loãng xương
Từ hậu quả của việc mất cân bằng năng lượng, rối loạn ăn uống và rối loạn chức năng nội tiết (cụ thể là chức năng sản sinh Estrogen – nội tiết tố nữ), lúc này khả năng hấp thu của người bệnh ở mức yếu hơn bình thường (ruột kém hấp thu), khả năng lưu thông các chất trong máu bị giảm, và một trong các chất đó là canxi.
Khi canxi trong máu bị giảm cũng là lúc khả năng tăng trưởng của xương bị ảnh hưởng, từ đó sức khỏe xương giảm xuống. Cụ thể, mật độ cấu trúc của phần vỏ xương và các lớp xốp bên trong xương bị giảm do hạ canxi máu, dẫn tới giảm chất lượng và độ chắc khỏe của xương và gây ra loãng xương.
Những người dễ bị mắc tam chứng
Bất kỳ ai cũng có thể bị mắc nhưng nữ giới tham gia vào các hoạt động đòi hỏi một cơ thể “mỏng manh” đặc biệt có rủi ro rất cao, bao gồm: những người tập gym, múa ballet, lặn, aerobics, trượt băng nghệ thuật và chạy.
Hậu quả của “Female Athele Triad”
Hậu quả về tâm lý:
– Không muốn giao tiếp với người thân, thường xuyên ăn một mình
– Luôn cảm thấy khát nước dù ít vận động
– Một số trường hợp muốn đi tắm ngay sau khi ăn
– Luôn luôn cảm thấy lạnh
– Thường xuyên gặp stress, dễ phát cáu và khó ngủ.
– Bị ảnh hưởng bởi các suy nghĩ về hình thể, cân nặng
Hậu quả đối với cơ thể:
– Rối loạn các chức năng phụ nữ.
– Thường xuyên đau mỏi cột sống, vùng đầu gối do hệ quả của loãng xương, một số trường hợp vận động nặng có thể bị gãy xương.
– Chế độ dinh dưỡng, tập luyện và nghỉ ngơi bị xáo trộn (do thiếu năng lượng và rối loạn ăn uống).
– Đã có một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và dẫn tới cái chết.
Cách ngăn ngừa Female Athlete Triad
Chế độ ăn uống:
– Tăng dần lượng thức ăn nạp vào cho tới khi bằng với chế độ ăn trước khi tập luyện
– Lấy lại lượng cân nặng đã mất
– Bổ sung Vitamin D và Canxi thông qua các thực phẩm giàu 2 chất này, lượng Vitamin D tiêu chuẩn là 32 tới 50 ng/ml và canxi ở mức 1,000 tới 1,300 mg/ngày.
Kế hoạch tập luyện, nên chia làm 3 giai đoạn:
– Giai đoạn cấp tính:
Bên cạnh việc thay đổi chế độ ăn về mức bình thường, nên giới hạn lại các hoạt động thể chất (ví dụ giảm 10-20% Volume tập luyện qua mỗi tuần) , đối với các vận động viên nữ, tạm thời ngừng tham gia thi đấu trong một vài tháng cho tới khi có sự thay đổi tích cực của cơ thể.
– Giai đoạn phục hồi:
Tiếp tục duy trì chế độ ăn dưới sự giám sát của bác sỹ hoặc chuyên gia.
Giới hạn các hoạt động thể chất, cải thiện sức khỏe thông qua các hoạt động nhẹ dưới sự giám sát của chuyên gia.
– Giai đoạn trở lại:
Lúc này khả năng ăn uống, chức năng sinh lý và tâm lý của người bệnh đã phục hồi đáng kể.
Có thể quay trở lại với các hoạt động thể thao bình thường, tuy nhiên bất kỳ sự thay đổi nào của khối lượng công việc (Volume) nên được cân nhắc nếu có sự thay đổi tiêu cực tới cơ thể, nhắc lại, nên có sự giám sát của bác sỹ hoặc chuyên gia trong giai đoạn này.