Đầu tháng 12/2016 vừa qua, một phụ nữ người Anh đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó thở do nồng độ muối trong máu bị giảm sút nghiêm trọng. Trong suốt thời gian nằm ở phòng cấp cứu, bệnh nhân run bần bật và có biểu hiện rối loạn cảm xúc. Bà cũng bị nôn vài lần và khó khăn khi diễn đạt bằng ngôn ngữ. Nguyên nhân bước đầu được xác định là ngộ độc chất lỏng do “uống quá nhiều nước”.
Quá trình điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ được biết: vì cơ thể xuất hiện các biểu hiện của viêm đường tiết niệu, người phụ nữ này đã tích cực uống nước để thải bớt vi khuẩn ở niệu đạo ra ngoài. Ước tính, lượng nước bà uống vào lên tới nửa lít mỗi 30 phút.
Dù được đánh giá là ca bệnh hi hữu, thế nhưng, những gì xảy ra với người phụ nữ này một lần nữa khiến chúng ta phải cân nhắc về quan điểm: có phải uống nước càng nhiều càng tốt hay không?
Thực chất, nước là một phần không thể thiếu được đối với sự sống nói riêng và cơ thể nói chung. Các nhà khoa học ước tính, 60% trọng lượng cơ thể chúng ta là nước. Do vậy, con người có thể nhịn ăn cả tuần nhưng không thể nhịn uống một ngày. Và lượng nước trong cơ thể chỉ cần mất đi 5-10% thì tính mạng bị đe dọa và nếu lên tới 20% thì sẽ hết đường cứu chữa.
Lượng nước uống mỗi ngày chiếm 25-50% trọng lượng cơ thể
Mặc dù có vai trò quan trọng như vậy, thế nhưng, uống nhiều nước (điển hình như người phụ nữ ở trên) lại gây hại cho cơ thể. Tại sao lại như vậy? Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sở dĩ như vậy là vì: quá nhiều nước sẽ tăng thêm áp lực cho thận, khiến thận phải làm việc nhiều hơn.
Ngoài ra, nhiều nước còn gây loãng điện giải trong máu, ảnh hưởng tới chức năng chuyển hóa của cơ thể, dễ dẫn đến tình trạng lơ mơ, rối loạn nhịp tim, co giật… Nếu tình trạng kéo dài, không được cấp cứu kịp thời thì bệnh nhân rất dễ tử vong.
Vậy rốt cuộc, uống bao nhiêu nước là đủ? 1 lít? 2 lít? Hay 3 lít? Trên thực tế, điều này phải phụ thuộc vào tình trạng thời tiết, sức khỏe của mỗi người. Chẳng hạn, với những người lao động dưới trời nắng nóng, lượng nước cần dung nạp vào cơ thể mỗi ngày có thể lên tới 2 – 2,5 lít để bù đắp cho lượng mồ hôi thoát ra.
Còn với những người ngồi văn phòng, lượng nước có thể dao động từ 1 – 2 lít. Ngoài ra, lượng nước uống vào mùa đông thường sẽ ít hơn mùa hè, tùy vào biểu hiện khát của cơ thể.
Một cách tính khác mà các nhà khoa học Anh thường áp dụng, đó là: tính lượng nước cần thiết dựa vào trọng lượng cơ thể của mỗi người. Theo đó, lượng nước tối thiểu và tối đa mà bạn nên uống mỗi ngày sẽ chiếm từ 25 – 50% trọng lượng cơ thể. Chẳng hạn, nếu bạn 50kg, lượng nước tối thiểu phải uống 1 ngày sẽ là 1,25 lít và tối đa sẽ là 2,5 lít.
Mặc dù có nhiều cách tính về lượng nước khác nhau, tuy nhiên, dấu hiệu đơn giản nhất để nhận biết bạn đã cung cấp đủ nước cho cơ thể hay chưa, đó là dựa vào màu sắc của nước tiểu. Theo đó, nếu nước tiểu có màu vàng sẫm (không do uống thuốc hay bất kỳ một loại thực phẩm chức năng nào) nghĩa là bạn đang bị thiếu nước, còn có màu trắng, cộng với biểu hiện đi tiểu thường xuyên thì tức là bạn đang bị thừa nước.
Ngoài lưu ý về số lượng nước cần uống mỗi ngày, để đảm bảo sức khỏe, bạn cũng nên chú ý đến cách uống nước. Uống nước từng ngụm lớn, lại quá nhiều cùng một lúc sẽ tạo áp lực cho tim, thận. Do đó, bạn chỉ nên uống từng ngụm nước nhỏ, vừa tốt cho đường tiêu hóa, vừa để các tế bào được thẩm thấu, từ đó đẩy nhanh cơn khát.
Thực tế là, nước có thể uống vào bất kỳ thời điểm nào, thế nhưng, nếu mỗi sáng thức dậy uống một cốc nước, bạn sẽ thấy bữa ăn sáng ngon miệng hơn do đường ruột đã được làm sạch. Và nếu trước khi đi ngủ nửa tiếng, chúng ta uống 1 cốc nước ấm, giấc ngủ sẽ đến nhanh hơn và sâu hơn.