Nếu Phố Đông hiện đại và tráng lệ, thì Phố Tây (còn gọi là Nam Phố, nằm ở phía Tây con sông Hoàng Phố) lại cổ kính, mang đậm dấu tích của thời Thượng Hải còn là tô giới của các thế lực ngoại bang, với hàng chục tòa nhà mang đủ các phong cách kiến trúc Đông – Tây pha trộn. Người dân Phố Tây mới chính là người Thượng Hải gốc.
Phố Tây gồm 9 quận lâu đời nhất Thượng Hải, diện tích mặc dù nhỏ hơn Phố Đông nhưng chiếm đến 90% dân số của thành phố. Từ Phố Đông qua đường hầm vượt sông Hoàng Phố, đặt chân vào Phố Tây như lạc sang một thế giới khác, nơi có niên đại lùi lại mấy thế kỷ. Khu phố cổ Thượng Hải nằm gọn giữa hai đường lớn Renmin Lu ở phía Bắc và Zhonghua Lu ở phía Nam, trước đây là tường thành Thượng Hải cũ, được xây dựng từ năm 1555 và phá bỏ vào năm 1911, vào Cách mạng Tân Hợi. Trong lòng khu phố này, nhiều con đường nhỏ đan xen, len lỏi giữa những căn nhà cổ nhỏ bé, vây quanh là những hàng quán ken đặc vỉa hè, tràn ra cả lòng đường. Các hàng quán ở đây bán đủ thứ thượng vàng hạ cám, từ những con quay “yoyo” có giá vài nhân dân tệ (vài chục ngàn VND) cho đến những miếng vàng, ngọc thạch được chế tác công kỹ, có giá vài chục ngàn USD. Không có nhiều thứ để mua sắm ở đây, nhưng khách nước ngoài lúc nào cũng ra vào nườm nượp. vì có quá nhiều thứ để nhìn ngắm, để suy tưởng. Bởi nền thương mại khá cổ kính ở đây chính là khởi đầu của một Thượng Hải sầm uất, hiện đại ngày nay.
Bước chân ra khỏi không khí ồn ào náo nhiệt của phố chợ, con đường nhỏ dẫn chúng tôi vào một khu vườn cổ có tên Yuyuan. Được xây dựng từ năm 1559 dưới thời Minh, Yuyuan đã chứng kiến nhiều thăng trầm trong tiến trình phát triển của Thượng Hải. Khu vườn giờ đây trầm mặc, uy nghiêm như cụ già ngồi dưới gốc cổ thụ nghiền ngẫm sự đời. Miếu Thành Hoàng của Thượng Hải cũng được đặt ở đây. Có thể coi đây chính là khoảng lặng để du khách bỏ lại phía sau những vương vấn trần gian trước khi bước sang một thế giới đầy huyễn hoặc – Bến Thượng Hải tọa lạc ở bờ Tây sông Hoàng Phố, đối diện với Phố Đông, nơi từng được mệnh danh là “Phố Wall” của Trung Hoa, cũng là nhân chứng sống của nhiều đổi thay trong lịch sử Trung Hoa hiện đại.
Đây từng là nơi đặt trụ sở nhiều ngân hàng và tòa nhà thương mại của Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Đức, Nhật, Hà Lan… và ‘’tứ đại’’ ngân hàng quốc gia vào thời kì Trung Hoa Dân Quốc. Lúc đầu, nó là khu định cư của người Anh, nhưng cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, đợt bùng phát xây dựng cao ốc ở đây đưa Bến Thượng Hải trở thành trung tâm tài chính lớn ở Đông Á.
Sau nhiều năm chìm trong lãng quên, từ khi Thượng Hải mở cửa về kinh tế, các tổ chức tài chính xung quanh Bến Thượng Hải trở lại hoạt động nhộn nhịp. Bến bắt đầu từ đường Diên An ở phía nam và kết thức ở cầu Ngoại Bạch Độ Garden) ở phía bắc. Phía Tây của đoạn đường này là 52 toà nhà theo các phong cách Tây phương từ cổ điển đến hiện đại, là đặc trưng chính của khu vực.
Bến Thượng Hải hiện ra trước mắt chúng tôi không như hình dung, càng khác xa so với những gì đã thấy trên phim ảnh. Rời khỏi con đường Trung Sơn thênh thang 10 làn xe chạy dọc bờ sông, bước chân lên con đê cao khoảng chục mét, trước mắt chúng tôi là bạt ngàn sắc hoa anh đào đỏ thắm. Dưới sông, những chiếc du thuyền trắng ra vào bến đưa du khách vãn cảnh sông chiều. Phía bên kia, Phố Đông giờ lên đèn rực rỡ muôn sắc màu, tỏa bóng lung linh xuống mặt sông…
Dừng bước bên hàng lan can, nhìn xuống dòng sông, những cơn sóng lăn tăn khẽ đưa theo làn gió nhẹ như nhắc nhớ về mối tình tay ba đầy ân oán giữa Hứa Văn Cường – Phùng Trình Trình – Đinh Lực trong bộ phim nổi tiếng “Bến Thượng Hải” năm xưa. Bến sông này chính là nơi đã ghi dấu những kỷ niệm đầy khổ đau của tình yêu, cũng là nơi mà tinh thần ái quốc lên tiếng… Cảnh cũ đã đổi thay, chuyện tình xưa giờ cũng chỉ còn là hoài niệm, nhưng nhìn những con sóng dạt dào trên bến, dõi theo một cách chim lạc lõng trên sông, vẫn thấy nao lòng…
Cuộc sống ở Phố Tây chầm chậm trôi theo dòng chảy lững lờ của con sông Hoàng Phố. Nhưng ẩn chứa đằng sau sự tĩnh lặng ấy là cả một dòng nội lực mạnh mẽ, như động lực thúc đẩy nhịp sống cuồn cuộn bên phía Phố Đông.
Xuất phát từ một làng chài hẻo lánh, Thượng Hải ngày nay đã trở thành thành phố lớn nhất Trung Quốc, đồng thời là nơi có hoạt động tài chính – kinh tế sôi động nhất Trung Quốc. Chỉ sau khoảng 15 năm, thành phố Thượng Hải đã lột xác thành thiên đường đô thị với 22 triệu dân cùng hàng nghìn tòa nhà chọc trời và hệ thống giao thông công cộng tiên tiến và hoàn hảo bậc nhất thế giới hiện nay. Trong những năm gần đây Thượng Hải luôn là nơi thu hút nhiều vốn đầu tư nhất thế giới với hàng trăm công ty hàng đầu và một hải cảng sầm uất và hiện đại bậc nhất thế giới hơn cả Singapore và Rotterdam.
Sau khi chính thức bước vào giai đoạn chuyển đổi cho tới hiện nay thì diện tích của Thượng Hải đã tăng 3 lần. Cùng sự phát triển thần kỳ vượt bậc về kinh tế, nhiều chuyên gia dự báo rằng Thượng Hải sẽ vượt mặt New York vào năm 2020.