Câu chuyện P.D.K, một nhân viên y tế công tác tại Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng, TP Cần Thơ tự chốt cửa phòng rồi cắt chân của mình ngày 10/11 khiến dư luận xôn xao. Công an xác nhận khi họ đến nơi thì anh K đang trong tình trạng ngáo đá nên nhiều người cho rằng vì ngáo đá nên anh K mới hành động rồ dại như vậy.
Còn anh K cho biết mình bị mắc bệnh rối loạn nhận dạng cơ thể nên luôn nung nấu trong đầu ý muốn cắt rời tay chân của mình. Anh K biết mình bị bệnh này từ nhỏ nhưng giấu mọi người và tự tìm cách chữa trị nhưng không thành công. Cuối cùng mới dẫn đến việc đáng buồn và đau lòng trên. Thực ra, nếu anh K chịu chia sẻ sớm câu chuyện của mình thì mọi thứ đã không đến nỗi tồi tệ. Y học thế giới coi những người có ý định tự hủy hoại cơ thể mình là một dạng tâm thần cần điều trị.
Đó là chứng rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (BIID).Những người mắc hội chứng này có tinh thần bình thường nên không ai nghĩ rằng đầu óc họ có vấn đề. Nhưng thực ra vì tổn thương trong não bộ khiến họ luôn có cảm giác một phần cơ thể của họ là thừa, xấu xí và cần phải cắt bỏ nó đi thì mới chịu được. Chúng ta có thể cảm thấy kỳ lạ cho căn bệnh này nhưng nó cũng giống như chúng ta cảm thấy khó chịu nếu chẳng may có một cục thịt thừa trên trán hay trên mặt. Khi soi gương ta cảm thấy cục thịt thừa trên mặt thì rất khó chịu và phải tìm cách đi phẫu thuật để tách nó ra khỏi cơ thể.
Người bị hội chứng BIID nhìn những phần bình thường của họ như tay, chân… lại thành phần thịt thừa phải giải quyết. Họ luôn bị ám ảnh đến dằn vặt vì bộ phận mà họ coi là vật thừa trên cơ thể trong khi chúng rất đỗi bình thường. Chỉ có điều là không bệnh viện nào lại chấp nhận yêu cầu lạ đời của họ nên họ phải tự giải quyết. Phổ biến nhất là tự cắt chân từ đầu gối trở xuống như anh K ở Cần Thơ, trên thế giới còn có người cắt tay, thậm chí tự làm mình mù mắt… Có người không đủ dũng cảm làm điều đó thì lại dùng súng bắn vào chân để được cưa chân, hết sức đáng thương. Ngay cả việc anh K bị phát hiện ngáo đá khi cắt chân thì cũng nên đặt vấn đề rằng anh đã thử dùng chất kích thích để quên đi nỗi sợ hãi khi làm chuyện này.
Đối tượng mắc bệnh này không loại trừ một ai.. Tiến sĩ Gregg Furth, người chuyên nghiên cứu về hội chứng BIID cũng là một người mắc bệnh này. Ông kể mình luôn nung nấu ý định cưa chân từ đầu gối trái và không làm được thì mất ăn mất ngủ. Ông đã từng đến bệnh viện với ý định tháo khớp nhưng không bệnh viện nào dám đáp ứng. Do đó, việc anh K là người từng học Cao đẳng y tế và đang làm việc trong bệnh viện nhưng mắc hội chứng BIID rồi tự cắt chân thì đó cũng là chuyện không khó hiểu.