Câu chuyện về bé trai 41 ngày tuổi tên Omodi đã hiến thận cứu 2 người ở Anh là điều đáng để chúng ta suy ngẫm. Phải thấy rằng ý thức cộng đồng và lý trí của cha mẹ bé trai kể trên rất cao. Họ rất đau khổ khi nhìn đứa con yêu dấu bé bỏng của mình qua đời nhưng vẫn bình tĩnh để bàn bạc và đồng ý hiến tạng của con nên cứu được 2 người khác. Họ nói: “Chúng tôi tin rằng nếu bé Omodi trưởng thành thì sẽ đồng tình với quyết định của chúng tôi hôm nay. Chúng tôi tự hào với những đóng góp của Omodi cho cộng đồng”.
Như vậy thì có thể thấy bé Omodi dù qua đời nhưng tên tuổi sẽ sống mãi trong lòng những người yêu mến bé, những người được nhận một phần cơ thể của bé để tiếp tục sống như bằng chứng về tinh thần nhân văn của con người. Còn nếu như bé Omodi không được hiến tạng đi thì cát bụi trở về cát bụi, có thể thêm 2 người nữa trở về cát bụi và tất cả cùng rơi vào quên lãng.
Quay trở lại Việt Nam thì có thể thấy nền y học của chúng ta đang gặp thách thức lớn về khâu hiến tạng. Nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam rất lớn. Hiện Việt Nam có khoảng 16 nghìn người đang có nhu cầu ghép tạng, khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người chờ ghép tim, phổi. Đó chỉ là danh sách những người đang chờ chứ nhu cầu thực tế có khi còn lớn hơn rất nhiều.
Thế nhưng, số lượng người đăng ký hiến tạng lại rất thấp. Vì thiếu nội tạng nên nhiều người đã qua đời trong sự day dứt của các bác sĩ vì họ chỉ thiếu tạng để giúp cứu sống những sinh mạng đang hấp hối. Trình độ ghép tạng của Việt Nam ngang tầm khu vực và có thể nói là ngang tầm quốc tế. Vấn đề duy nhất hiện giờ chỉ là hiến tạng.
Xét về truyền thống, con người nước ta nổi tiếng với tinh thần tương thân, tương ái. Vậy sao lại có nghịch lý là ít người hiến tạng? Có lẽ đó xuất phát từ quan niệm sai lầm rằng người chết phải toàn thây thì mới siêu thoát. Chính vì vậy, nhiều người ngại bị mất đi phần nào của thân thể sau khi qua đời.
Nhưng nếu nhìn ở góc độ khoa học thì thấy quan niệm đó là sai lầm. Sau khi cơ thể chết đi mà các tạng của người không được tiếp máu và oxy để nuôi dưỡng thì cũng phân hủy để cát bụi trở thành cát bụi, đó là sự lãng phí.
Còn nếu nhìn ở góc độ tâm linh thì việc hiến tạng càng tốt cho người đã khuất. Chúng ta thường nói cứu một mạng người thì công đức hơn xây 7 tòa tháp. Một người hiến cơ thể của mình thì có thể cứu được đến 10 người cần tạng và như thế thì công đức rất nhiều. Một người ở hiền, làm việc thiện như thế thì ắt hẳn phải siêu thoát.