Rượu, bia được coi là đồ uống không thể thiếu trong mỗi dịp nghỉ lễ, Tết. Trong những ngày này lượng rượu, bia tiêu thụ nhiều hơn, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng tăng cao hơn.
Mới đây, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa tiếp nhận một trường hợp nguy kịch vì ngộ độc rượu. Theo đó, bệnh nhân là ông N.Đ.T, 47 tuổi, ở Thạch Thất (Hà Nội) có biểu hiện đau đầu, mắt mờ, trí giác lơ mơ sau 3 – 4 ngày uống rượu liên tục. Khi được người thân đưa đi cấp cứu, ông T đã ở trong tình trạng hôn mê, huyết áp tụt, tổn thương não và ngừng tim.
Sau khi được cấp cứu cho tim đập trở lại, bệnh nhân được lọc máu, điều trị rối loạn suy thận… song do tình trạng suy thận, tổn thương não quá nghiêm trọng nên không có khả năng phục hồi và cứu chữa. Kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng methanol trong máu bệnh nhân lên tới gần 300 mg/100 ml máu, trong khi chỉ với mức trên 20mg/ml máu đã được coi là ngộ độc methanol. Hiện gia đình đã xin đưa ông T về nhà.
Ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng…)
Ngộ độc rượu biểu hiện ở các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng với các biểu hiện: Nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp có thể tử vong nếu không được cấp cứu.
Để đề phòng ngộ độc rượu, Cục An Toàn Thực Phẩm khuyến cáo người dân không nên uống quá nhiều rượu (trên 30ml/người/ngày với nồng độ từ 30 độ trở lên). Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng trên 0,05% vì có thể gây mù mắt và tử vong cao.
Đặc biệt không sử dụng rượu rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nên từ bỏ thói quen uống rượu tự pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật, hay những rượu ngâm theo kinh nghiệm dân gian.