Tháng 8 năm 2015, chị Danica Patterson (Dallas, Mỹ) hốt hoảng khi nhận ra những bức ảnh của cô con gái 4 tuổi đáng yêu của mình xuất hiện ngập tràn trên trang Facebook cá nhân của một gã đàn ông lạ mặt. Kẻ này tự nhận con gái chị Patterson là con anh ta và nói cô bé giống hệt anh. Con gái chị Patterson là nạn nhân của trò “bắt cóc trẻ em thời công nghệ số” – trường hợp một người lạ lấy cắp ảnh của một đứa trẻ ở trên mạng và tự nhận đó là con mình.
Mẹ con chị Danica Patterson (bên trái) và trang Facebook của gã đàn ông lạ mặt nhưng toàn ảnh con chị Patterson (bên phải).
Thường thì những “kẻ giả mạo” này lấy những bức ảnh ngẫu nhiên trên Internet hoặc tải ảnh từ bất kì Facebook của người nào mà họ thích, đem về đăng trên Facebook của mình, người dùng để “câu” like, “câu” người xem, bình luận, kẻ dùng cho những ý đồ nguy hiểm hơn như kinh doanh, tuyên truyền, kêu gọi với mục đích xấu.
Tháng 5 và tháng 6 năm nay, cộng đồng cư dân mạng thế giới và Việt Nam cũng xôn xao vì vì một bài viết cảnh báo nguy hiểm “chết người” từ việc kết bạn với người lạ và chia sẻ quá nhiều hình ảnh của con cái lên Facebook. Bài viết kể về một người mẹ Mỹ vô tình kết bạn với người lạ và vô tư đăng ảnh check-in địa điểm trường học của con lên trang cá nhân, khiến kẻ xấu tìm đến tận nơi cô bé học để thực hiện vụ bắt cóc và bán em với giá 5.000 USD cho một kẻ mắc chứng ấu dâm.
Bài viết từng gây xôn xao cộng đồng mạng về cảnh báo nguy hiểm “chết người” từ việc kết bạn với người lạ và chia sẻ quá nhiều hình ảnh của con cái lên Facebook. (Ảnh minh họa)
Mạng xã hội ngày nay, đặc biệt là Facebook, đã trở thành một công cụ giao tiếp vô cùng phổ biến đối với các bà mẹ bỉm sữa. Tuy hầu như bậc làm cha làm mẹ nào cũng tự hào vì con mình và muốn đăng ảnh con lên mạng xã hội cho tất cả mọi người cùng biết nhưng không phải ai cũng ý thức được những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra từ hành động tưởng chừng rất bình thường này.
Để phòng tránh những mặt trái từ việc chia sẻ ảnh con cái lên mạng mang lại, cha mẹ có thể thực hiện theo 3 điều sau đây:
Điều chỉnh chế độ cài đặt bảo mật
Không chỉ riêng Facebook, các mạng xã hội phổ biến khác như Instagram, Twitter,… đều có chế độ cài đặt bảo mật cho người dùng lựa chọn. Tốt nhất là mẹ chỉ nên chấp nhận lời mời kết bạn với những người quen biết và có thông tin cá nhân trên Facebook đáng tin cậy. Những bức ảnh của con khi đăng lên mạng cũng nên đặt ở chế độ chỉ bạn bè mới có thể xem được, như vậy sẽ tránh được tình trạng ảnh của bé lan truyền đến tay những kẻ xa lạ, làm “mồi nhử” cho đối tượng xấu lợi dụng.
Đóng dấu lên những tấm ảnh của bé
Hiện nay rất nhiều ứng dụng trên điện thoại di động cũng như các phần mềm trên mạng có thể giúp người dùng thêm chữ, ký tự, hình ảnh ngộ nghĩnh vào những tấm hình. Khi bạn đã “cộp mác” riêng lên bức ảnh (chẳng hạn như biệt danh của bé hay những dòng chữ dễ thương…), kẻ xấu khó có thể lợi dụng bức ảnh đó để “nhận vơ” đó là ảnh của chúng hay dùng cho quảng cáo, kinh doanh… hơn.
Tránh để lộ ảnh chứa thông tin cá nhân
Hãy cảnh giác với việc đăng ảnh kèm theo địa chỉ trường học, lớp học hay thông tin cá nhân khác của bé lên mạng. Chẳng hạn như đăng ảnh trẻ mặc đồng phục nhìn thấy rõ phù hiệu trường hay check-in ngay tại địa điểm trường học sẽ như một hình thức “lạy ông tôi ở bụi này”, dụ kẻ xấu mò đến tận nơi trẻ đang học để thực hiện ý đồ.
Những rắc rối khi nuôi con bằng sữa mẹ
(Làm Mẹ) – (Phunutoday) – Nhờ việc cho con bú mà sợi dây liên kết tình cảm giữa mẹ và con khăng khít hơn. Tuy nhiên không phải là không có những phiền toái và rắc rối. |