Sau khi sinh con, nhiều phụ nữ gặp phải một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng như chảy máu nhiều, nhiễm trùng, tiền sản giật, suy tim.
Nhiều vấn đề xảy ra sau sinh có thể cảnh báo tình trạng nguy hiểm với phụ nữ. Ảnh: Flohealth.
Cảm thấy đau và khó chịu trong vài tuần sau khi sinh là điều bình thường. Nhưng một số triệu chứng không bình thường và có thể là trường hợp cần cấp cứu y tế.
Điều quan trọng là phụ nữ phải chú ý đến cơ thể của mình sau khi sinh con và không bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo tiềm ẩn. Tất cả phụ nữ nên đi khám chăm sóc sau sinh, lên cuộc hẹn với bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và em bé.
Chảy máu nhiều
Theo Unm Health (hệ thống chăm sóc sức khỏe của Bệnh viện Đại học New Mexico, Mỹ), hầu hết phụ nữ sẽ bị chảy máu âm đạo trong 2-6 tuần sau khi sinh. Điều này có thể xảy ra ngay cả khi bạn sinh mổ. Chảy máu lúc đầu có thể nặng hơn một chút và kèm theo các cục máu đông. Chảy máu bình thường sẽ chậm và ít dần mỗi ngày.
Bạn sẽ thấy bị chuột rút và chảy máu nhiều hơn khi cho con bú, nhưng điều đó là tốt. Cho con bú kích thích cơ thể bạn giải phóng các hormone khiến tử cung co lại. Sau đó, bạn sẽ bắt đầu lại chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Nếu bạn ngừng chảy máu hoàn toàn rồi bắt đầu lại vào khoảng hoặc sau 6 tuần sau khi sinh, đó có thể là dấu hiệu kỳ kinh nguyệt đầu tiên trở lại.
Tuy nhiên, chảy máu quá nhiều được gọi là xuất huyết sau sinh. Chảy máu nhiều có thể do các mảnh nhau thai không được đưa ra ngoài, nhiễm trùng hoặc tử cung co bóp kém sau khi sinh. Đây là trường hợp cấp cứu y tế có thể gây bệnh nặng hoặc tử vong nếu không được chăm sóc khẩn cấp.
Gọi bác sĩ nếu bạn bị chảy máu:
- Nhiều hơn một miếng băng vệ sinh mỗi giờ.
- Không chậm lại sau 3-4 ngày.
- Chậm lại, sau đó nặng hơn hoặc chuyển sang màu đỏ tươi ngay sau khi sinh.
- Kèm theo đau hoặc chuột rút nghiêm trọng.
Nhiễm trùng
Sinh con có thể dẫn đến rách da hoặc vết mổ sinh cần khâu lại. Phụ nữ sẽ được hướng dẫn cách chăm sóc những vết thương này. Nhưng ngay cả khi bạn cẩn thận, vết thương vẫn có thể bị nhiễm trùng. Khi được phát hiện sớm, nhiễm trùng có thể được chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể trở nên tồi tệ nhanh chóng và đe dọa đến tính mạng.
Gọi cấp cứu nếu bạn bị:
- Ớn lạnh với làn da ẩm ướt hoặc đổ mồ hôi.
- Xuất huyết tại chỗ vết thương.
- Đau dữ dội hoặc tăng dần.
- Thở nhanh hoặc nhịp tim nhanh.
- Sốt trên 38,1 độ C.
- Đỏ tại chỗ vết thương.
- Chỗ vết thương ấm khi chạm vào.
Trầm cảm nặng
Cảm thấy hơi buồn hoặc khóc trong vài tuần sau khi sinh con là điều bình thường. Nhưng 10-20% phụ nữ sẽ bị trầm cảm nghiêm trọng sau sinh, kéo dài trong thời gian dài. Các triệu chứng có thể gây khó khăn cho việc chăm sóc bản thân và em bé.
Đây không phải lỗi của bạn, vì vậy, hãy nhờ trợ giúp của người thân hoặc bác sĩ khi gặp tình trạng này. Đến bệnh viện hoặc xin tư vấn của bác sĩ nếu bạn:
- Tức giận hoặc khó chịu nghiêm trọng.
- Buồn ngủ hoặc mất ngủ cực độ.
- Ít quan tâm đến những thứ bạn từng thích.
- Có năng lượng thấp.
- Buồn và cảm giác muốn khóc rất nhiều.
- Có cảm giác tuyệt vọng hoặc hoảng loạn.
- Thay đổi tâm trạng nghiêm trọng.
- Khó tập trung hoặc ghi nhớ mọi thứ.
Trầm cảm là vấn đề lớn cần được quan tâm ở phụ nữ sau sinh. Ảnh: Cedarssinai.
Huyết áp cao
Theo Mayo Clinic, huyết áp cao sau khi sinh được gọi là tiền sản giật sau sinh. Hầu hết trường hợp xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi sinh. Nhưng huyết áp cao có thể xảy ra đến 6 tuần sau khi sinh. Tiền sản giật sau sinh là trường hợp cấp cứu y tế. Nếu không được điều trị, nó có thể gây co giật, tổn thương nội tạng (bao gồm cả thận và gan) và tử vong.
Gọi cấp cứu nếu bạn bị:
- Giảm đi tiểu.
- Huyết áp cao (trên 140/90 mm Hg).
- Đau ở bụng trên bên phải hoặc vai.
- Nhức đầu dữ dội.
- Tăng cân đột ngột.
- Sưng ở chân, tay hoặc mặt.
- Khó thở.
- Thay đổi tầm nhìn (có tia sáng trong tầm nhìn hoặc những đốm đen kéo dài).
Suy tim
Tình trạng suy tim hiếm gặp có thể làm suy yếu tim trong hoặc ngay sau khi mang thai. Tình trạng này, được gọi là bệnh cơ tim chu sinh, khiến việc bơm máu đi khắp cơ thể trở nên khó khăn.
Nếu thai kỳ khỏe mạnh, tim sẽ bơm máu nhiều hơn tới 50% để nuôi dưỡng em bé đang lớn trong bụng. Nguyên nhân chính xác của bệnh cơ tim chu sinh vẫn chưa được biết. Nhưng căng thẳng, áp lực lên tim trong thời kỳ mang thai có thể là một trong những yếu tố gây ra tình trạng trên. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm huyết áp cao, béo phì, tiểu đường, hút thuốc, trên 30 tuổi và sinh đôi trở lên.
Gọi cấp cứu nếu bạn bị:
- Đau ngực.
- Mệt mỏi quá mức.
- Đánh trống ngực.
- Tim đập loạn nhịp.
- Hụt hơi.
- Sưng ở bàn chân hoặc mắt cá chân.
Cục máu đông
Thuyên tắc phổi xảy ra khi cục máu đông chặn động mạch trong phổi. Mặc dù hiếm gặp, cục máu đông là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người mẹ sau sinh.
Cục máu đông thường di chuyển đến phổi từ chân. Vì vậy, điều quan trọng là nhận biết các dấu hiệu của cục máu đông ở chân. Một số phụ nữ có nguy cơ cao bị cục máu đông sau khi sinh, bao gồm cả phụ nữ sinh mổ, huyết áp cao, béo phì hoặc trên 35 tuổi.
Gọi cấp cứu nếu bạn bị:
- Chân đỏ hoặc sưng, đau hoặc ấm khi chạm vào.
- Đau ngực.
- Ho hoặc thở hổn hển.
- Hụt hơi.
Theo Phương Mai (zing) – Ảnh: T.H