Sốt xuất huyết là bệnh do virus sốt xuất huyết (DENV) gây ra và lây lan qua muỗi Aedes. Sốt xuất huyết được đặc trưng bởi sốt đột ngột, nhức đầu dữ dội, đau cơ và khớp (còn gọi là “sốt gãy xương”) và phát ban khắp cơ thể. Bệnh nhân cũng có thể bị đau bụng, buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy do viêm dạ dày.
Các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em hơi khác so với ở người lớn. Trẻ em có thể bị các triệu chứng sốt xuất huyết nhẹ và nặng tùy thuộc vào việc đây có phải là lần đầu tiên chúng mắc bệnh hay không.
Các triệu chứng thường bắt đầu từ 4 ngày đến 2 tuần sau khi bị muỗi nhiễm bệnh đốt và thường kéo dài 2-7 ngày. Sau khi hạ sốt, các triệu chứng khác có thể trở nên nghiêm trọng hơn, bao gồm chảy máu nặng; vấn đề về đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn hoặc đau bụng dữ dội) và vấn đề về hô hấp (khó thở). Nếu không điều trị, bệnh có thể dẫn đến mất nước, chảy máu nhiều và tụt huyết áp nhanh chóng (sốc).
Dưới đây là những triệu chứng sốt xuất huyết nặng phổ biến nhất ở trẻ em:
- Đau bụng dữ dội.
- Nôn mửa không đáp ứng với thuốc.
- Nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu.
- Giữ nước trong cơ thể.
- Chảy máu từ nướu răng hoặc mũi.
- Máu trong nước tiểu.
- Khó thở hoặc thở nhanh.
- Thờ ơ, bồn chồn, hoặc cáu kỉnh.
Khi sốt xuất huyết biến chứng nặng, tiểu cầu giảm và/hoặc rò rỉ huyết tương ra khỏi mạch máu. Kết quả có thể là sốc, chảy máu trong hoặc thậm chí tử vong. Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ cần phải nhận ra những triệu chứng này. Thông thường, các dấu hiệu cảnh báo xuất hiện từ 24 đến 48 giờ sau khi hạ sốt.
Khi trẻ bị sốt xuất huyết nặng, các bác sĩ sẽ truyền dịch truyền tĩnh mạch và chất điện giải (muối) để thay thế những chất bị mất do nôn mửa hoặc tiêu chảy. Tuy nhiên, người bệnh có thể cần truyền máu trong những trường hợp nghiêm trọng hơn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) chia sẻ.
Theo Zing – Ảnh: T.H