Hạt vi nhựa được phát hiện trong cơ thể người. Nhưng mới đây, nghiên cứu ở chuột cho thấy hạt vi nhựa còn có thể truyền từ chuột mẹ sang con qua nhau thai.

Hạt vi nhựa có thể thấm vào các cơ quan cơ thể. Ảnh: oceanbites.

Nhựa, cụ thể hơn là hạt vi nhựa, đang dần len lỏi vào cuộc sống của chúng ta. Medical Daily đưa tin một nghiên cứu mới đây đăng tải trên tạp chí Nanomaterials cho biết các nhà khoa học phát hiện các hạt vi nhựa siêu nhỏ (MNPs) có thể truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai.

Nghiên cứu cho thấy MNPs không chỉ vượt qua hàng rào ruột và nhau thai trong vòng 24 giờ, mà còn thấm vào gan, thận, tim, phổi và não của thai nhi.

Theo Earth.com, Philip Demokritou, Chủ tịch của Henry Rutgers, giáo sư khoa học nano và kỹ thuật sinh học môi trường tại Trường Y tế Công cộng Rutgers, cho biết: “Chúng tôi vẫn còn nhiều điều chưa biết nhưng phát hiện này chắc chắn khiến nhiều người lo ngại. Chúng tôi sẽ cần tiếp tục thực hiện các nghiên cứu về chủ đề”.

Theo nghiên cứu, trung bình một người ăn và hít khoảng 5 gram MNPs/tuần, tương đương với khối lượng của một chiếc thẻ tín dụng.

Giáo sư Demokritou nói: “Việc sử dụng nhựa đã trở nên phổ biến hơn kể từ những năm 1940 do nhựa rẻ và có nhiều công dụng. Trong 60 năm qua, 9 tỷ tấn nhựa được sản xuất, 80% số đó bị thải ra môi trường và chỉ 10% được tái chế”.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đánh dấu những con chuột mang thai được cho tiếp xúc nhựa nano. Họ cho rằng các hạt nhựa polystyrene huỳnh quang đỏ to 25 nm (PS25C) khi được carboxyl hóa sẽ phá vỡ hàng rào ruột của chuột mẹ, đi qua nhau thai, đi vào máu và các mô của thai nhi.

Năm con chuột ăn chất lỏng có chứa các hạt nhựa polystyrene 25 nm vào ngày thứ 19 của thai kỳ. Một nhóm chuột khác thì không ăn nhựa. Sau 24 giờ, những con chuột ăn nhựa bị giết và các nhà nghiên cứu bắt đầu phân tích mô của chuột mẹ và con.

Người ta phát hiện ra rằng MNPs đã xâm nhập vào gan, thận, tim, phổi và não của chuột non chưa sinh.

Giáo sư Demokritou giải thích: “Nhựa làm từ dầu mỏ không thể phân hủy sinh học, nhưng điều kiện thời tiết và quá trình oxy hóa bằng ánh sáng sẽ phá vỡ nhựa thành những mảnh nhỏ”.

Những mảnh nhỏ này, gọi là vi nhựa nano, được tìm thấy trong phổi, nhau thai và máu của con người. Điều này khiến mọi người lo ngại về sức khỏe con người.

Nhà nghiên cứu cho biết thêm: “Chúng tôi đang cố gắng đánh giá rủi ro sức khỏe của chất gây ô nhiễm này để thông báo cho các nhà hoạch định chính sách và phát triển các chiến lược giảm thiểu tác hại”.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thừa nhận họ chỉ sử dụng các MNPs polystyrene ở một kích thước nhất định. Do đó, nghiên cứu chưa bao gồm dữ liệu về nhiều loại MNPs ngoài môi trường.

Nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên chứng minh hạt vi nhựa có thể di chuyển qua hàng rào nhau thai và xâm nhập vào các mô của giống cái.

Giáo sư Demokritou chia sẻ: “Mục tiêu của chúng tôi là tăng cường việc tái sử dụng và tái chế nhựa, thậm chí thay thế chúng bằng nhựa polyme có thể phân hủy sinh học. Đây là một phần trong mục tiêu xã hội hướng tới sự bền vững”.

Theo Phương Hà (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link