Bệnh tiểu đường type 2 phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, ngày càng nhiều trẻ em mắc bệnh này. Béo phì được cho là một trong những nguyên nhân gây bệnh.

Béo phì được coi là một trong những nguyên nhân gây bệnh tiểu đường type 2 ở trẻ em. Ảnh minh hoạ: Gulf Times.

Theo Mayo Clinic Health System, bệnh tiểu đường loại 2 là một bệnh mạn tính phát triển theo thời gian. Nó ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng đường trong máu. Đường này, hoặc glucose, là nguồn năng lượng chính cho các tế bào của cơ thể.

Sau khi bạn ăn thức ăn, đặc biệt loại giàu carbohydrate, cơ thể cần insulin, một hormone từ tuyến tụy, để cho phép glucose đi vào tế bào và được sử dụng nó làm năng lượng. Insulin cũng chịu trách nhiệm lưu trữ glucose để sử dụng sau này.

Ở trẻ mắc tiểu đường type 2, tuyến tụy sản xuất insulin nhưng không đủ để đáp ứng nhu cầu cơ thể. Ngoài ra, cơ thể của trẻ có thể không sử dụng insulin hiệu quả. Đây được gọi là kháng insulin và khác với bệnh tiểu đường type 1, trong đó tuyến tụy sản xuất ít hoặc không sản xuất insulin.

Yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường

Phụ huynh nên cho con khám sàng lọc bệnh tiểu đường type 2 khi ở giai đoạn bắt đầu dậy thì, trẻ bị thừa cân và có ít nhất hai yếu tố nguy cơ.

Các yếu tố rủi ro làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2 ở trẻ em bao gồm:

  • Tăng cân: Sự gia tăng mô mỡ có liên quan đến tình trạng kháng insulin gia tăng.
  • Tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 tăng lên nếu trẻ có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh tiểu đường hay mẹ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ khi đang mang thai.
  • Giới tính: Ở tuổi chưa thành niên, các bé gái dễ mắc bệnh tiểu đường type 2 hơn bé trai.
  • Ít vận động: Hoạt động thể chất giúp trẻ kiểm soát cân nặng và giúp các tế bào phản ứng nhanh hơn với insulin.
  • Tình trạng kinh tế xã hội thấp: Môi trường tâm lý xã hội phức tạp tạo ra những thách thức để duy trì lối sống lành mạnh.

tieu duong type 2 anh 1

Khuyến khích con hoạt động thể chất là một trong những cách giúp trẻ xây dựng lối sống lành mạnh, ngăn ngừa nguy cơ mắc tiểu đường type 2. Ảnh: Healthxchange.

Phòng ngừa bệnh tiểu đường ở trẻ em

Theo bà Meghan Teska, chuyên gia giáo dục ở Mỹ về sức khỏe và lối sống lành mạnh, lựa chọn lối sống tích cực có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 2 ngay cả khi con bạn có người thân ruột thịt mắc bệnh tiểu đường. Những lựa chọn này phải thực tế, bền vững và được mọi người trong gia đình chấp nhận.

Thay đổi lối sống có thể làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh tiểu đường, bao gồm:

Lựa chọn thực phẩm

Cha mẹ nên khuyến khích con ăn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, tập trung vào trái cây, rau, sữa ít chất béo, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc. Trẻ cần hạn chế uống đồ uống có đường, chẳng hạn soda.

Người lớn cũng nên khuyến khích con tham gia xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh bằng cách đưa con đi mua sắm hàng tạp hóa, nhờ con giúp chuẩn bị bữa ăn và thu thập ý kiến ​​​​của chúng về công thức nấu ăn, lựa chọn bữa ăn.

Hoạt động thể chất

Cha mẹ cần đặt mục tiêu cho con hoạt động thể chất ít nhất 60 phút mỗi ngày. Họ nên tìm các hoạt động mà con thích làm, vì hoạt động này phải thú vị và không được coi là việc vặt.

Bên cạnh đó, phụ huynh giúp con giảm thời gian tĩnh bằng cách khuyến khích cố gắng đứng dậy, di chuyển sau mỗi 30 phút. Đi ra ngoài, ném bóng hoặc đạp xe quanh khu phố và hàng loạt hoạt động khác có thể giúp trẻ ngăn ngừa nguy cơ mắc tiểu đường type 2.

Bà Meghan Teska nói thêm cả gia đình có thể lựa chọn lối sống để giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 2 ở con trẻ. Bà khuyên người lớn mô hình hóa các hành vi lành mạnh họ muốn con xây dựng và tuân thủ. Theo vị chuyên gia, những thói quen sống cha mẹ tạo ra cho con ở nhà hồi còn nhỏ sẽ theo con đến suốt đời.

Theo Nguyên Lê (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link