Do sử dụng điện thoại nhiều suốt giai đoạn dịch bệnh, con trai chị Thúy Kiều chậm nói, rối loạn ngôn ngữ, bị tăng động và có chiều hướng tự kỷ.

Sử dụng điện thoại trong thời gian dài có thể khiến trẻ kém tập trung. Ảnh: ACAMH.

Chưa kịp vui mừng khi thấy con mới 3 tuổi đã nói được vài từ tiếng Anh, chị Thúy Kiều (sống tại tỉnh Bến Tre) bắt đầu lo lắng vì con không hiểu và nói được tiếng Việt.

“Suốt thời gian dịch Covid-19, con tôi dùng điện thoại rất nhiều, chủ yếu là nghe nhạc thiếu nhi bằng tiếng Anh. Lúc đó, tôi thấy không thấy có gì bất thường cho đến khi con gặp các triệu chứng như hiện tại”, chị Kiều chia sẻ.

Bất an khi con trai đã gần 4 tuổi nhưng nhận thức còn chậm, thường xuyên leo trèo, chạy nhảy khắp nơi, chị Kiều quyết định đưa con đi khám bác sĩ tâm lý.

Xem điện thoại 7 giờ/ngày

“Trong giai đoạn dịch Covid-19, tôi thì bận buôn bán, còn chồng thì đi làm xa khoảng 7-10 ngày mới về một lần. Do đó, bé ở nhà với ông bà nội. Vì bé hơi nghịch, chạy nhảy nhiều, ông bà cho bé xem điện thoại để tiện trông nom. Có ngày, bé xem video đến 6-7 tiếng/ngày”, chị Kiều tâm sự.

Khi con gần 4 tuổi, chị Kiều nhận thấy bé ít nói chuyện, ba mẹ hỏi thì không trả lời hoặc trả lời rất chậm. Ngoài ra, bé chạy nhảy liên tục và thường phá đồ và không làm theo yêu cầu của người lớn. Cách duy nhất để bé ngồi yên một chỗ là cho xem điện thoại hoặc cho đồ ăn.

Chị Kiều càng hốt hoảng hơn khi con nói được vài chữ tiếng Anh về màu sắc, đồ vật hay bảng chữ cái và không biết nói rành rõi tiếng Việt.

Lúc này, vợ chồng chị phải gác công việc buôn bán sang một bên và nhanh chóng đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM).

“Bác sĩ chẩn đoán con mắc chứng tăng động, chậm nói và có xu hướng tự kỷ. Ngoài ra, con phải uống thêm thuốc để giảm bớt tăng động. Thấy tình hình như thế, suốt 4-5 tháng nay, tôi gửi con học tại một trường chăm sóc đặc biệt. Sau khi tan học, tôi cũng cố gắng nói chuyện với bé nhiều hơn, dạy bé đọc tên đồ vật xung quanh và hướng dẫn bé cách trả lời các câu hỏi”, chị Kiều cho biết.

Gần đây, chị Kiều cho con đi tái khám và lấy thêm thuốc. Nhìn chung, bé đang tiến triển rất tốt nhưng khả năng nói, phản xạ và tăng động vẫn chưa cải thiện nhiều.

“Mỗi ngày, tôi đều gợi chuyện và đặt câu hỏi để con tập nói nhiều hơn. Hiện tại, tôi thấy con chỉ trả lời được 2/10 câu và phải đợi cha mẹ gợi ý chứ không tự nói. Tuy nhiên, con dường như ý thức tốt những gì tôi nói, ví dụ, tôi nhờ con đi lấy vật gì đó thì bé chạy đi lấy ngay”, chị Kiều chia sẻ.

tang dong anh 1

Một bé trai cùng mẹ chờ lượt khám tại khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Bích Huệ.

Thời gian tốt nhất cho phép trẻ tiếp xúc màn hình điện thoại

Theo chia sẻ, bác sĩ Đào Thị Thu Hương, khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết ngày nay, nhiều trẻ em tiếp cận rất sớm với màn hình điện tử. Điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến khả năng phát triển ngôn ngữ, lời nói của trẻ.

“Gần đây, chúng tôi cũng tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi 6 tuổi, sống ở TP.HCM, gặp vấn đề về sự tập trung khi bé ngồi học không chú tâm hay lơ đễnh. Theo gia đình, dù không biết thời lượng cụ thể, nhưng mỗi ngày bé tiếp xúc với điện thoại rất nhiều”, bác sĩ Hương cho hay.

Đối với các trường hợp này, sau khi giới hạn trẻ dùng điện thoại tối đa một giờ/ngày trong vòng một tháng, vấn đề giảm tập trung, chú ý của trẻ đã được cải thiện.

Ngoài ra, một số ca bệnh có tiếp xúc thường xuyên với màn hình điện tử còn gặp tình trạng khó ngủ và ngủ không sâu giấc.

Theo bác sĩ Hương, phụ huynh không nên cho trẻ tiếp xúc với màn hình điện tử quá sớm, đặc biệt là trẻ trước 24 tháng tuổi. Trẻ từ 24 tháng, cha mẹ không cho con xem quá một giờ/ngày và phụ huynh cần cùng với bé tương tác trong lúc bé xem.

Ngoài ra, hạn chế trẻ sử dụng điện trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Đối với những trẻ vốn đã nghiện điện thoại, việc hạn chế sử dụng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn như trẻ quấy khóc hay ăn vạ.

Lúc này, cả gia đình từ ba mẹ đến ông bà phải có sự thống nhất và kỷ luật rõ ràng, tránh trường hợp có thành viên không cho xem nhưng người còn lại thì giúp đỡ bé.

Trong những năm đầu đời, trẻ cần có cơ hội khám phá mọi thứ (lăn, lê, bò, trườn, cầm, nắm…) để các tế bào trong não trẻ được liên kết nhiều hơn, giúp não phát triển. Do đó, phụ huynh cần cho trẻ trải nghiệm càng nhiều hoạt động càng tốt, tránh để con tiếp xúc quá nhiều với màn hình điện thoại làm ảnh hưởng sự tập trung và giảm khả năng nhận thức.

Theo Bích Huệ – Nam Giao (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link