Đau bụng và nôn mửa là triệu chứng dễ nhận thấy nhất khi bạn mắc ngộ độc thực phẩm . Tại Mỹ, cứ sáu người thì có một người gặp phải tình trạng này. Ngộ độc thực phẩm không chỉ dẫn tới đau bụng, nôn mửa mà còn gây tiêu chảy, đau cơ và sốt cao.
Các triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện từ 4-36 giờ sau khi bạn tiêu thụ thực phẩm bẩn. Ngoài ra, những loại độc tố trong cá hoặc nấm cũng có thể gây nên các vấn đề về đường ruột giống ngộ độc thực phẩm.
Dưới đây là một số biện pháp đơn giản giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi tình trạng này:
Tiêu thụ nhiều trái cây
Ăn trái cây khi mắc ngộ độc thực phẩm là điều rất quan trọng. Ashley Barrient, chuyên gia dinh dưỡng kiêm bác sĩ y khoa tại Bệnh viện Northwestern Memorial cho biết, việc làm này sẽ giúp bạn tránh mất nước do tiêu chảy và nôn mửa.
Mọi người cũng có thể bổ sung nước thường xuyên nếu không thể tiêu thụ trái cây.
Nước dừa có khả năng làm dịu các triệu chứng dù bạn không nên tiêu thụ quá 2-3 ly một ngày. Trẻ em hoặc người già cũng cần sử dụng các loại thuốc hoặc dung dịch bù nước và chất điện giải khi bị mất nước nghiêm trọng.
Mọi người có thể tự chế loại dung dịch này tại nhà. Bạn chỉ cần cho 6 thìa đường và nửa thìa muối vào một lít nước đã đun sôi rồi ngoáy đều.
Khi pha chế hỗn hợp này, mọi người cần đảm bảo đúng liều lượng vì quá nhiều đường hoặc muối sẽ làm các triệu chứng trở nên nghiêm trọng thêm.
Sử dụng nước gạo hoặc nước lúa mạch
Nước gạo và nước lúa mạch được chế biến bằng cách đun sôi các loại hạt tương ứng trong nước. Thức uống này không chỉ có khả năng ngăn ngừa mất nước mà còn hạn chế tình trạng viêm ruột và dạ dày.
Để tự pha chế thức uống này, bạn cần nấu một cốc gạo hoặc lúa mạnh với một lít nước đun sôi trong vòng 10 phút, bắc ra khi mặt nước xuất hiện tinh bột và có dạng sền sệt. Sau đó bạn đổ dung dịch này ra cốc và thưởng thức.
Payal Bhandari, dược sĩ kiêm tư vấn viên y khoa tại Tổ chức Uqora cho biết, bạn cũng có thể thêm một vài lát gừng hoặc nghệ để tăng khả năng làm dịu các triệu chứng đường ruột.
Tiêu thụ thực phẩm dễ tiêu hóa
Khi mắc ngộ độc thực phẩm, mọi người nên cố gắng tiêu thụ những món ăn dễ tiêu hóa. Việc làm này sẽ giúp đường ruột nghỉ ngơi và phục hồi nhanh chóng.
Rusha Modi, ThS, bác sĩ chuyên khoa dạ dày ruột và trợ lý giáo sư y học lâm sàng tại Trung tâm Y tế Keck ở California cho biết, chia thành nhiều bữa nhỏ và tiêu thụ thực phẩm ít chất béo là hành động sáng suốt khi bị ngộ độc thức ăn.
Trái lại, mọi người nên tránh xa các chất cafein, rượu và đồ uống có ga vì chúng có thể dễ dàng làm các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Thưởng thức trà quế
Những ly trà quế thơm ngon sẽ giúp bạn hạn chế các triệu chứng ngộ độc thực phẩm.
Một nghiên cứu đến từ Đại học MedStar Georgetown đã chỉ ra, dầu quế sở hữu hoạt tính kháng khuẩn, từ đó giúp loại bỏ những mầm bệnh gây ngộ độc như e.coli , tụ cầu vàng, salmonella enteritidis và listeria monocytogenes.
Để pha chế trà quế, bạn hãy cho một thìa bột quế vào nước đang đun sôi và đợi khoảng 15 phút. Bạn có thể uống hỗn hợp này trực tiếp hoặc thêm vào một ít bột gừng khi sử dụng.
Sử dụng tỏi
Tỏi là loại gia vị được biết đến với đặc tính kháng khuẩn mạnh mẽ nhờ hợp chất diallyl sulfide.
Một nghiên cứu tại Trung tâm y khoa Northwestern Medicine đã chỉ ra, tỏi có khả năng chống lại các mầm bệnh như vi khuẩn campylobacter, e.coli O157 và listeria monocytogenes.
Bạn có thể cho 4 tép tỏi cùng vài lát gừng vào một ly nước đang đun sôi. Sau đó, đổ dung dịch này ra cốc rồi chia thành hai phần để sử dụng vào buổi sáng và buổi tối.
Pha chế trà rau mùi
Rau mùi đã được người xưa sử dụng để trị những vấn đề về đường tiêu hóa như đầy bụng và tiêu chảy.
Edwina Clark, bác sĩ kiêm trưởng khoa dinh dưỡng tại Yummly cho biết, các loại dầu được làm từ rau mùi có đặc tính kháng khuẩn e.coli và salmonella typhimurium mạnh mẽ.
Để tự pha chế loại trà này, bạn cần đun sôi ½ thìa bột rau mùi hoặc một thìa hạt rau mùi đã nghiền nhỏ với một ly nước.
Sử dụng hạt thì là
Thì là cũng là một trong những loại gia vị có khả năng kiểm soát tình trạng tiêu chảy và đầy hơi hiệu quả.
Eliza Savage, bác sĩ kiêm chuyên gia dinh dưỡng và tiêu hóa tại trung tâm Middleberg Nutrition cho hay, loại rau này sở hữu đặc tính kháng khuẩn e.coli và staphylococcus aureus mạnh mẽ. Do đó, nấu chín hạt cây thì là sẽ giúp cơ thể chống lại các mầm bệnh gây ngộ độc hiệu quả hơn.
Tiêu thụ rượu dấm táo
Loại rượu này thường được sử dụng để trị những triệu chứng do ngộ độc thực phẩm gây nên. Rượu giấm táo cũng sở hữu đặc tính kháng khuẩn mạnh mẽ. Bạn nên pha loãng 2 thìa rượu dấm táo với một ly nước ấm trước khi sử dụng.
Bổ sung probiotic
Probiotic là những loại vi khuẩn có lợi cho sức khỏe. Chúng có khả năng hạn chế sự lây nhiễm của virus gây tiêu chảy cấp rota. Loại virus này có thể tìm thấy ở những thực phẩm bẩn.
Một nghiên cứu của Đại học Y California San Diego School cho thấy, triệu chứng tiêu chảy rút ngắn từ 2,4-1,4 ngày ở những trẻ em bổ sung nhiều probiotic lactobacillus. Những thực phẩm như sữa chua có chứa nhiều loại lợi khuẩn này.
Sử dụng cây kế sữa
Cây kế sữa có khả năng loại bỏ độc tố đến từ các loại nấm dại nhờ hợp chất silybin. Trên thực tế, loại cây này đã được người châu u xa xưa sử dụng để ngăn ngừa ngộ độc nấm Amanita.
Bạn có thể sử dụng quả kế sữa khô để pha một tách trà chống ngộ độc nấm. Theo Lisa Ganjhu, bác sĩ chuyên khoa về dạ dày-ruột kiêm giáo sư y khoa tại Trung tâm y tế NYO Langone, mọi người cần lưu ý tình trạng ngộ độc này vì chúng sẽ ảnh hưởng tới tim, thận và có thể gây tử vong.
Do đó, bạn cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt khi bị ngộ độc.