Nói đến phương pháp đốt cháy calo, ít người nghĩ đến giấc ngủ. Trên thực tế, lúc ngủ cơ thể vẫn sử dụng năng lượng. Ví dụ, bộ não cần đến 20% lượng calo hấp thụ hàng ngày và vẫn tiếp tục lấy năng lượng ngay cả khi đã chìm vào giấc ngủ.
Tuy nhiên, không dễ để xác định chính xác lượng calo đốt cháy khi ngủ. “Không có con số cụ thể nào cả”, Men’s Health dẫn lời tiến sĩ Mary Ellen Wells, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh và Giấc ngủ tại Đại học Y UNC. “Nó thay đổi tùy theo giai đoạn ngủ cũng như các hoạt động ban ngày và gene di truyền của từng người”.
Để tìm ra lượng calo đốt cháy khi ngủ, đầu tiên, bạn cần biết lượng calo cơ thể đốt cháy lúc nghỉ ngơi (còn gọi là tỷ lệ trao đổi chất cơ bản – BMR). Chỉ số này phụ thuộc vào cân nặng, chiều cao, tuổi tác. Nó được đo sau 8 tiếng ngủ, trong trạng thái nhịn ăn và ở nhiệt độ trung bình. Nhìn chung, lúc nghỉ ngơi, một người khỏe mạnh tiêu hao 45 calo mỗi giờ.
Khi ngủ, mức tiêu hao năng lượng của cơ thể bằng khoảng 95% lúc nghỉ ngơi. Nếu đã tìm ra chỉ số BMR, bạn có thể tính lượng calo đốt cháy trong giấc ngủ dựa trên công thức:
BMR trên giờ x 0,95 x số giờ ngủ
Ví dụ, nếu BMR của bạn là 45 calo mỗi giờ và bạn ngủ 8 tiếng thì có công thức sau:
45 x 0,95 x 8 = 342
Như vậy, bạn đốt cháy được 342 calo trong 8 giờ ngủ.
Nếu muốn tối đa hóa lượng calo đốt cháy khi ngủ, bạn hãy hạ nhiệt độ phòng xuống. “Ngủ trong phòng lạnh thúc đẩy cơ thể đốt cháy nhiều calo để giữ ấm”, ông Winter nói. Theo Hiệp hội Y học Giấc ngủ Mỹ, con người nên ngủ trong phòng từ 16 đến 20 độ C.
Ngoài ra, bạn cần ngủ đủ giấc bởi thiếu ngủ sẽ tác động tiêu cực đến sự trao đổi chất của cơ thể, khiến bạn có nguy cơ béo phì. Nghiên cứu năm 2012 chỉ ra đàn ông ngủ từ 5 tiếng trở xuống mỗi đêm dễ bị béo phì hơn gấp bốn lần. Thiếu ngủ còn làm rối loạn hormone leptin và ghrelin, từ đó tăng cảm giác thèm ăn.