Chuyện tình đẹp với cô học trò
56 năm làm vợ chồng – 56 năm yêu thương gắn bó của thầy giáo với cô học trò nhỏ. Hai vợ chồng thầy gặp nhau khi thầy về trường nữ sinh Trưng Vương thực tập và câu chuyện tình đã bắt đầu từ đó.
Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên – nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, một người bạn vô cùng thân thiết của PGS Văn Như Cương, thì thầy Cương lưu tên vợ trong điện thoại khá đặc biệt. Thầy đặt theo câu tiếng Anh “My Love” nhưng ghi theo giọng xứ Nghệ là “Mi lo về”, vừa tình cảm lại vừa thể hiện trách nhiệm mỗi khi vợ gọi.
Suốt những năm tháng thầy Văn Như Cương nằm trên giường bệnh luôn có bàn tay của cô giáo Đào Kim Oanh tận tình chăm sóc. Cả hai đã nắm tay nhau đi qua khó khăn suốt 56 năm qua, cho đến ngày thầy trở về đất mẹ.
“Lợn nuôi tiến sĩ”
Cách đây khoảng hơn 40 năm, thầy giáo Văn Như Cương (SN 1937) đã trở về dạy học tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở Nga (Liên Xô cũ – 1971). Trong tình cảnh nền kinh tế khó khăn và cái “sĩ” của những nhà trí thức, thầy Văn Như Cương không nề hà gì chuyện tăng gia sản xuất, tự cứu lấy mình bằng cách nuôi lợn kiếm tiền.
Gia đình thầy có 5 người và cùng ở trong một phòng tập thể chỉ vỏn vẹn 11m2. Thế nhưng một phần diện tích trong căn phòng “bé như lỗ mũi” đó lại là nơi cư trú của 2 chú lợn. Mỗi lứa lợn dư còn được 70 đồng, bằng đúng tiền lương của một tiến sĩ ngày đó. Nên thầy Cương hay nói vui với đồng nghiệp, nhà có 2 tiến sĩ, một là tôi và một là lợn.
Giai thoại còn kể rằng, khi bị lập biên bản, thầy cứ bắt người ta phải ghi lại câu chữ, rằng: “Các anh không được viết, tôi nuôi lợn làm ảnh hưởng tới môi trường, mà phải viết lợn nuôi tôi làm ảnh hưởng tới môi trường, thì tôi mới ký”.
Về sau này thầy mới kể lại, giai thoại là thế nhưng thực ra người chăn nuôi lại là vợ thầy – cô giáo Đào Kim Oanh.
Chuyện vui về bộ râu nổi tiếng
Nói về PGS Văn Như Cương, người ta liền nhớ đến người thầy với bộ râu bạc dài như tiên ông. Nhưng ít người biết rằng, thầy đã nuôi bộ râu này từ những ngày còn học ở Liên Xô. Khi về nước thầy vẫn để râu như thế.
“Nhiều lần tôi đang lim dim ngủ, mẹ tôi bàn với vợ tôi là phải tìm cách làm xấu bộ râu của nó, để nó phải cạo đi. Còn trẻ ai lại để râu như thế, trông không hợp tí nào”, thầy Cuong hài hước tâm sự.
Sau đó, thầy đã tìm cách thuyết phục vợ: “Em ơi, anh để râu là rất có lợi. Giờ ai cũng biết chỉ có ông Cương ở trường sư phạm mới có bộ râu này. Anh đi ra đường mà làm việc gì khuất tất, sàm sỡ thì ai cũng biết”.
Và cuối cùng thầy đã thuyết phục được cả mẹ và vợ.
Vế đối nổi tiếng
Thời còn là giảng viên môn Toán ở trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thầy Văn Như Cương từng được đồng nghiệp bên khoa Văn thử tài văn chương bằng cách ra câu đối: “Văn như Văn Như Cương”. Không cần nghĩ ngợi nhiều, thầy Cương đối lại: “Võ nguyên Võ Nguyên Giáp”.
Đó là một vế đối quá chỉnh nhưng lại đưa tên vị Đại tướng lừng danh vào đây nên nhiều người ngại “phạm húy”, không dám truyền tụng rộng. Bà Đặng Bích Hà, phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, (bà là người có họ hàng với PGS.TS Văn Như Cương) ngày ấy cũng công tác tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội biết chuyện, bà vui miệng kể lại với chồng.
Nghe xong Đại tướng Võ Nguyên Giáp tủm tỉm cười khen: “Giỏi, đối như vậy là rất chỉnh. Người thông minh mới làm được như vậy”.
Giai thoại này về sau có người phịa ra để trêu đùa rằng, chính Phó giáo sư Văn Như Cương là người đưa ra câu đối: “Võ nguyên Võ Nguyên Giáp” để mọi người phải đối lại là: “Văn như Văn Như Cương”.