Vừa qua, bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM đã cứu thành công một nữ công nhân bị sốc phản vệ rất nguy kịch ngay sau ăn cá ngừ tự nấu.
Khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân có tiền căn bị dị ứng với nhiều món ăn nên thường tự nấu cơm mang đi làm. Chỉ 15 phút sau ăn cơm với cá ngừ, bệnh nhân có biểu hiện nổi mẩn ngứa toàn thân, khó thở… nên được chuyển đến viện cấp cứu.
Tại đây, sức khỏe của bệnh nhân xấu đi rất nhanh, tụt huyết áp, suy hô hấp… Kết quả siêu âm cho thấy, bệnh nhân bị tổn thương phổi rất nặng. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân dần ổn định.
Bác sĩ khuyến cáo, những người đã có tiền căn dị ứng với các món ăn lạ hoặc cá biển, thịt bò, thịt gà… thì nên tránh sử dụng, đề phòng những rủi ro đáng tiếc.
Những lưu ý cần tránh khi ăn cá ngừ
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cá ngừ là thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao. Tỷ lệ đạm trong cá ngừ lên đến 23g/100g, chất béo thấp, không có colesterol. Ưu điểm lớn nhất của cá ngừ là chứa nhiều axit béo không bão hòa, nhất là omega 3 làm giảm triglixerit trong máu, có tác dụng tốt trong phòng ngừa một số bệnh tim mạch, xương khớp. Ngoài ra, trong cá có hàm lượng Vitamin D, photpho cao tốt cũng tốt cho xương.
Trên thực tế đã có một số vụ ngộ độc được cho rằng nguyên nhân được cho là do cá ngừ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, quan điểm cá ngừ có độc không có cơ sở khoa học. Các trường hợp ăn cá ngừ bị ngộ độc không phải do bản thân có độc, mà do mua cá bị ươn, đạm trong cá chuyển thành chất độc.
Vì vậy, các chuyên gia cảnh báo:
– Không nên ăn cá ngừ nếu có dấu hiệu bị ươn
– Người có cơ địa dị ứng, trẻ nhỏ, trước khi ăn cá ngừ nên thử một chút, nếu có biểu hiện bất thường thì tuyệt đối không nên ăn.
– Để loại trừ độc trước khi chế biến cần ướp gừng trong 30 phút, gừng sẽ có tác dụng vừa làm tăng mùi thơm vừa có tác dụng triệt tiêu tính gây dị ứng của cá ngừ.
Lưu ý: Khi đun nấu cần cho nhỏ lửa trong thời gian đầu, sau đó mới cho lửa cháy mạnh vì enzym phân giải protein của gừng hoạt động tốt nhất ở 60 độ C.