Phật dạy rằng: “Cách tháo gỡ phiền muộn tốt nhất chính là quên phiền muộn”.
“Không tranh giành” chính là từ bi.
“Không tranh cãi” chính là trí tuệ.
“Không nghe” chính là thanh tịnh.
“Không nhìn” chính là tự tại.
“Tha thứ” chính là giải thoát.
“Biết đủ” chính là buông.
Tâm không loạn, không bị vây khốn bởi tình, không sợ tương lai, không nhớ nhung quá khứ.
Theo vòng quay thời gian khiến cho nhịp sống càng trở nên hối hả và gấp gáp hơn. Con người luôn lo toan và tất bật với miếng cơm manh áo để sinh tồn thì việc tìm được sự thanh thản trong tâm hồn không phải điều dễ dàng. Bởi vậy, tại sao có rất nhiều người giàu sang, đạt được những gì mình mong muốn nhưng vẫn không cảm nhận được hạnh phúc. Bởi họ luôn gặp phải căng thẳng, đấu tranh để giữ vững những gì mà mình đang có.
Trong cuộc sống, khi cảm thấy quá mệt mỏi và căng thẳng thì có rất nhiều người tìm tới nguồn cội tâm linh như đi chùa lễ Phật để cầu may, cầu an hoặc đọc những cuốn sách Phật Pháp với mong muốn tìm về sự bình an và giải tỏa những bế tắc.
Khi đức Phật còn tại thế, Ngài có đặt một câu hỏi cho một vị Sa môn là: “Tuổi thọ của con người dài trong bao lâu?” và vị Sa môn đã trả lời là: “Chỉ dài bằng một hơi thở”. Đức Phật nói: “Đúng vậy. Ông là người hiểu đạo” (trích trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương).
Cuộc sống mỗi con người chúng ta chỉ tồn tại trong một hơi thở vậy tại sao chúng ta cứ để tâm mình mãi luẩn quẩn trong “u mê” và “phiền não”?
Nếu như con người biết buông xả trong đời sống hiện tại. Buông đi những lợi danh, buông đi những hận thù chấp nhặt. Đồng thời xả đi những mưu cầu tính toán cho bản thân, xả đi những “tham – sân – si” trong cuộc sống thường nhật thì sẽ tự tìm thấy cho mình niềm an vui và thanh thản trong tâm hồn.
Bởi khi biết buông xả thì tâm ta mới trong sáng để vượt qua những cám dỗ của tham, sân, si, của mạn nghi ác kiến để rồi nhìn thấy niềm vui xung quanh ta.
Có buông xả được thì lòng ta mới rộng mở, ai nói gì không vừa ý cũng bỏ qua mà không chấp. Nếu ai có làm điều gì xúc phạm cũng dễ dàng tha thứ, mà nếu có giận có buồn thì chỉ một vài phút hoặc một vài giờ, cùng lắm qua một đêm rồi quên hết đi cho đời mình được an vui.
Nhưng hãy hiểu rằng buông xả không có nghĩa là buông bỏ, dẹp hết tất cả để chỉ lo cho bản thân mình. Không có nghĩa là chối bỏ, trốn tránh trách nhiệm trong cuộc sống.
Là người con Phật, chúng ta buông xả nhưng phải luôn giữ trọn vẹn trách nhiệm của một con người. Để bồ đề tâm thêm vững chắc, để trả ơn công lao sinh thành của cha mẹ, để vẫn chu toàn mọi việc, mọi bổn phận.
Tất cả được làm với tấm lòng bao dung mở rộng như một vị Bồ tát, xử xự theo tinh thần “Từ – Bi – Hỷ – Xả”. Còn đích đến nào tuyệt với hơn khi biết tìm lại và trở về với chính cuộc sống nội tâm của chúng ta, để trở về với sự thanh thản trong tâm hồn.
Bởi khi tâm hồn trong sáng, vui vẻ, là chúng ta đang tiến dần đến mục tiêu, thành công của cuộc sống mà chúng ta mong đợi. Chúng ta làm việc sẽ tốt hơn, sống đam mê hơn, nhân hậu, tha thứ và rộng mở, học thêm được nhiều điều…
Song quan trọng nhất là chúng ta được hạnh phúc, nhận nhiều yêu thương khi biết buông xả, có lẽ đó chính là quy luật và cũng là nghệ thuật sống, mang lại sự bình an cho mỗi người.
Hãy từ bỏ việc viện cớ
Đóng gói những cái cớ và ném chúng đi. Bạn không cần đến chúng. Thường thì chúng ta chỉ giới hạn bản thân mình trong những gì chúng ta làm vì nhiều lý do. Thay vì lớn lên, nâng cao cuộc sống và tinh thần, chúng ta lại kẹt lại, tự dối bản thân, viện tới tất cả các loại lý do, mà trong 99,9% trường hợp, không phải là có thật.
Hãy từ bỏ sự quyến luyến
Đây là một quan niệm mà hầu hết chúng ta rất khó hiểu, nhưng nó không phải là một cái gì đó không thể. Khi bạn tách mình khỏi tất cả mọi thứ, bạn trở nên yên bình hơn, khoan dung, thân thiện và thanh thản hơn, như vậy bạn có thể đến một nơi mà bạn có thể hiểu tất cả mọi thứ mà không cần phải chịu đau khổ. Nó là một trạng thái vượt ra ngoài ngôn từ.