Như chúng tôi đã đưa tin trước đó về vụ việc xảy ra tại hầm nước mắm làm một chuyên gia người Thái Lan và bốn công nhân người Việt thiệt mạng.
Danh tính các nạn nhân đã được xác định bao gồm: Nguyễn Văn Vinh (46 tuổi, ngụ thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa), Hồ Viết Nguyên (36 tuổi, ngụ xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa), Lê Thành (30 tuổi, ngụ xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa), Huỳnh Văn Nê (22 tuổi, ngụ xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa). Nạn nhân người Thái Lan là ông Siriphong Phiuphu Khieo (46 tuổi).
Theo đó, khoảng 11 giờ ngày 12-1, tại Công ty CP Foodtech Chi nhánh Phú Yên đóng ở KCN Hòa Hiệp, huyện Đông Hòa (Phú Yên) anh Huỳnh Văn Nê (ngụ thị trấn Hòa Hiệp Trung) xuống hầm mắm lấy mẫu thì bị ngạt khí rơi xuống hầm, không lên được.
Thấy anh Nê gặp nạn, những công nhân cùng làm việc tưởng anh bị điện giật nên cúp cầu dao điện rồi xuống cứu anh Nê. Tuy nhiên, cả bốn người xuống sau đều không trở lên, trong đó có ông Siriphong Phiuphu Khieo (chuyên gia người Thái Lan, sinh năm 1970).
Các công nhân khác đã phá cửa hầm xuống cứu những người gặp nạn. Khi được vớt lên, bốn nạn nhân đã tử vong, một người được chở đi cấp cứu nhưng cũng không qua khỏi. “Mọi người tưởng anh bị điện giật nên vội cúp cầu dao điện rồi lao xuống cứu. Khi mọi người không trở lên, ai cũng hoảng sợ nên không dám xuống nữa mà hô hoán phá hầm cứu người… Hầm mắm này thường ngày vẫn có người xuống lấy mẫu, không hiểu sao hôm nay lại bị như vậy” – anh H., một công nhân chứng kiến sự việc, cho hay.
Trước vụ việc trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên khẩn trương tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình các nạn nhân sớm vượt qua đau thương, mất mát, ổn định cuộc sống.
Các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác định nguyên nhân, trách nhiệm liên quan đến vụ tai nạn, nếu phát hiện có sai phạm thì xử lý theo quy định pháp luật; kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất trên địa bàn về tuân thủ các quy định an toàn lao động, tăng cường thanh tra, kiểm tra đảm bảo không để xảy ra vụ việc tương tự.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo và phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên khắc phục nhanh hậu quả vụ tai nạn.
Theo Giám đốc Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên, hiện tại công ty Foodtech đã hỗ trợ gia đình mỗi nạn nhân số tiền là 40 triệu đồng, liên đoàn lao động hỗ trợ thêm 5 triệu/nạn nhân.
Đối với nạn nhân người Thái Lan, UBND tỉnh sẽ liên hệ với phía Đại sứ quán Thái Lan để phối hợp giải quyết theo quy định.
Theo thông tin mới nhất được đăng tải trên báo Doanh nghiệp, tại buổi họp báo chiều ngày 13/1, ông Nguyễn Thanh Tùng (trợ lý Tổng Giám đốc Công ty CP Foodtech), đại diện công ty gửi lời xin lỗi đến các gia đình nạn nhân.
Ông Tùng cho rằng nguyên nhân sự việc là do sự thiếu sót khi tiến hành thử nghiệm việc cô đặc phần nước hấp cá ngừ thải ra để tận thu làm nước mắm. Thử nghiệm này nhằm làm giảm đi phần nước đưa vào hệ thống xử lý nước thải, hạn chế ô nhiễm môi trường. Công ty phân công anh Siriphong phụ trách.
“Cứ nghĩ là nước cá mới tươi nấu lại cô đặc thì không có vấn đề gì. Phương pháp này mới thử nghiệm cho ra mẻ đầu tiên vào ngày 29/9/2016, đạt 17% độ đạm. Anh Siriphong và các công nhân nhiều lần trực tiếp xuống lấy mẫu mà không bị gì. Thử nghiệm lần 2 này không biết vì lý do gì mà xảy ra sự cố đáng tiếc”, ông Tùng nói.
Theo đại tá Nguyễn Xuân Hồng – Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, công an tỉnh đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Bên cạnh đó, phối hợp với viện kiểm sát và các lực lượng chức năng tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc. “Nhận định sơ bộ ban đầu là nhiều khả năng các nạn nhân chết do ngạt khí độc”, đại tá Hồng nói.
Về trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn lao động của Công ty Foodtech, ông Đinh Khắc Đô – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên cho biết, hàng năm sở này phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Phú Yên và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra toàn diện các công ty ở các khu công nghiệp. Trong đó, khu công nghiệp Hòa Hiệp (nơi có Công ty Foodtech) đã kiểm tra định kỳ vào năm 2015.
“Vụ việc hết sức nghiêm trọng. Đơn vị này mới đưa ra thí nghiệm bể chứa nước hấp cá làm nước mắm và Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Phú Yên cũng không báo cáo với sở”, ông Đô cho biết.
“Tuy nhiên, thử nghiệm này chưa được báo cáo với cơ quan chức năng”, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết. Trái lại, ông Tùng lại khẳng định công ty có gửi văn bản báo cáo với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Phú Yên để sử dụng phần đất này cho hoạt động cô đặc nước hấp cá, giảm thiểu ô nhiễm, tận thu làm nước mắm.
Vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra làm rõ.