Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, sau khi vào biển Đông, bão số 7 (bão Sarika) vẫn giữ sức gió mạnh cấp 13-14, giật cấp 16-17. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15km. Đến 13 giờ ngày 19.10, vị trí tâm bão trên vùng ven biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14-15. Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14-15; biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Do thay đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc, phạm vi ảnh hưởng bão số 7 xác định đến sáng 17.10 là các tỉnh, thành phố từ Thái Bình đến Quảng Ninh. Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn cần đặc biệt đề phòng gió mạnh và mưa lớn khi bão đi qua. Theo nhận định của các chuyên gia, nếu sau khi vào bờ bão vẫn giữ cấp gió 11-12, giật cấp 14-15 thì bão số 7 sẽ là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây, gây nguy hiểm cho cả các công trình cao tầng.
Trong khi bão Sarika (bão số 7) đang tiến vào biển Đông cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220 km về phía đông thì một cơn bão khác mang tên quốc tế là Hải Mã hình thành ngoài khơi đảo Luzon (Philippines) với cường độ cực mạnh hướng về phía biển Đông.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết hồi 10 giờ ngày 17-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150 km/giờ), giật cấp 16.
Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km. Đến 10 giờ ngày 18-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, trên đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16-17.
Vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): Phía Bắc Vĩ tuyến 14,50N và phía Đông Kinh tuyến 108,00E. Vùng gió mạnh từ cấp 8 trở lên phía Bắc Vĩ tuyến 15,50N và phía Đông Kinh tuyến 108,50E. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Theo Cơ quan khí tượng Nhật Bản vào khoảng ngày 20-10, cơn bão Hải Mã sẽ vượt qua quần đảo Luzon (Philippines) tiến thẳng vào biển Đông với cường độ mạnh, hoạt động trên phạm vi rộng lớn.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh đã phải chịu hậu quả mưa lũ. Hiện nay, ngoài việc khắc phục hậu quả của mưa lũ, các tỉnh miền Trung đang triển khai ứng phó bão số 7. Mưa đã ngớt, các tuyến đường trọng yếu cơ bản đã được lưu thông, mực nước lũ đã rút bớt nhưng công tác khắc phục hậu quả còn nhiều khó khăn do một số địa phương vẫn bị cô lập, việc xử lý môi trường sau mưa lũ vẫn còn hết sức nặng nề.
Trước đó, tại cuộc họp về phòng, chống cơn bão số 7, Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (BCĐTWPCTT) Nguyễn Xuân Cường quan ngại việc ứng phó với cơn bão số 7 đúng lúc các tỉnh miền Trung đang khắc phục hậu quả nặng nề do mưa lũ sau ATNĐ gây ra. Bộ trưởng nhận định, bão Sarika là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rất rộng. Do vậy, việc ứng phó với cơn bão số 7 đặt ra những tình huống hết sức phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc quyết tâm ở mức cao nhất của tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương, nhằm chủ động và hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, sản xuất của nhà nước và nhân dân.