Emma Morano sinh ngày 29/11/1899, bà được biết đến là người cuối cùng của thế kỷ 19 còn sống sót tới nay. Kỷ lục Guinness thế giới cũng đã xác nhận bà là người cao tuổi nhất thế giới hôm 16/05 vừa qua. Theo Daily Mail, bí quyết giúp bà có thể sống trường thọ đến ngày hôm nay là nhờ thực đơn giản dị gồm trứng và bánh cookie.
“Tôi ăn hai quả trứng một ngày và một ít bánh cookie, nhưng không ăn nhiều bởi vì tôi không còn cái răng nào,” bà chia sẻ.
Được biết, thói quen ăn trứng hàng ngày được bà áp dụng từ khi được chẩn đoán mắc bệnh thiếu máu năm 20 tuổi. Bác sĩ khuyên bà nên ăn 3 quả trứng trong 1 ngày, trong đó hai trứng ăn sống và trứng còn lại thì nấu chín. Thực đơn này được bà duy trì với hơn 100.000 trứng đã ăn trong suốt 90 năm qua.
“Emma luôn ăn rất ít rau và trái cây. Thời gian đầu khi tôi được tiếp xúc, bà ấy đã ăn ba quả trứng mỗi ngày, hai nguyên vào buổi sáng và sau đó là món trứng ốp-lết vào buổi trưa cùng thịt gà. Bây giờ Emma sống chủ yếu nhờ bánh quy và không muốn ăn thịt vì bà ấy không thích và kể từ khi ai đó nói việc này sẽ gây ra ung thư,” bác sĩ Carlo Bava, người luôn bên cạnh theo dõi sức khỏe của bà Emma trong suốt 27 năm qua chia sẻ.
Cụ Emma từng kết hôn, tuy nhiên cuộc hôn nhân của cụ đã kết thúc từ năm 1938 do người chồng bạo lực. Kể từ đó, bà sống một mình. Tuy vậy bà vẫn sống lạc quan cùng tinh thần thoải mái, và đây cũng là một trong những lý do giúp bà có thể sống thọ như ngày hôm nay.
Hiện tâm trí của bà vẫn còn tỉnh táo nhưng tai nghe thì rất tệ, diễn đạt lời nói một cách khó khăn, thị lực không còn đủ tốt để có thể xem được TV và hầu hết thời gian trong ngày bà chỉ nằm ngủ.
Bên cạnh đó, bác sĩ Bava cũng tiết lộ thêm ngoài yếu tố di truyền (mẹ bà qua đời ở tuổi 91 và hai chị em bà sống thọ hơn 100 tuổi), việc tích cực tham gia ca hát và khiêu vũ, chăm chỉ làm việc cũng là những yếu tố quan trọng khiến cho bà có được tuổi thọ cao đến như vậy. “Bà ấy là một người phụ nữ đầy nghị lực. Chưa bao giờ Emma muốn đến bệnh viện. Bà không bao giờ nhận sự chăm sóc đặc biệt. Một số bệnh viêm phế quản, những lần truyền máu, một vài mũi khâu vết thương…, nhưng tất cả các việc đó luôn được tiến hành tại nhà,” Bava nói.