Là một người mẹ, ai cũng mong con cái mình ngoan ngoãn, thông minh và hiếu thảo. Bố mẹ sẽ hạnh phúc khi thấy con khỏe mạnh, thành công. Không có ông bố bà mẹ nào muốn con mình hư hỏng, không biết suy nghĩ, lông bông và sống… không tử tế. Để con cái có một cuộc sống no ấm, đủ đầy, bố mẹ đã làm tất cả mọi việc dù khó khăn gian khổ, dù mưa nắng bão bùng. Cuộc sống gian nan không làm bố mẹ sờn chí chỉ mong những thành quả mình làm ra đủ để nuôi con, nuôi sống gia đình, mong con xem đấy là động lực để sống tốt, học gỏi và phấn đấu trở thành người có ích cho gia đình và xã hội… Vậy đấy, tình yêu bố mẹ dành cho con là vô bờ, vô bến mà không gì có thể cân, đo, đong, đếm được… Vậy nhưng, không phải đứa con nào cũng hiểu được điều đó, không hiểu được tình yêu bao la bố mẹ dành cho mình.
Trong xã hội có không ít đứa con bất hiếu, hỗn xược với bố mẹ. Vì những mong muốn ích kỷ của bản thân mà không xem bố mẹ ra gì. Những người con bất hiếu ấy luôn sống chết vì đám bạn “vô công rồi nghề” hơn là bố mẹ để của mình. Có những người con về nhà bòn mót của bố mẹ từng đồng để tiêu pha, “đốt” vào những trò chơi vô bổ… Thế nhưng, dù con có “hư” đến đâu đi chăng nữa thì bố mẹ vẫn phải chấp nhận, khi cả thế giới quay lưng lại cũng chỉ có bố mẹ tiến tới cầm tay con, vực dậy và mong con làm lại cuộc đời. Mong muốn của bố mẹ là chỉ cần con sống tốt, sống tử tế hơn sau mỗi lần vấp ngã là vui rồi…
Dưới đây là câu chuyện của một bà mẹ khốn khổ từng quỳ lạy xin con trai làm người tử tế nhưng bất thành. Câu chuyện này ghi theo lời kể của Ng.T.T – Thanh Oai, Hà Nội và được đăng tải trên tờ Người đưa tin. Mời tất cả mọi người, đặc biệt là những người làm con hãy đọc và cùng suy ngẫm.
“Người mẹ đau khổ quỳ lạy xin con trai hãy sống làm người tử tế
Tôi khóc không thành tiếng, còn quỳ lạy con trai mình xin nó hãy làm người tử tế, đừng hành hạ bố mẹ mình như thế nhưng nó vẫn không tỉnh ngộ.
Có lẽ, ai nhìn vào cũng cảm nhận được những đau khổ mà tôi đang phải chịu đựng nhưng đứa con trai duy nhất của tôi sẽ chẳng thể nào thấu hiểu được điều đó.
Chồng tôi ốm yếu quanh năm, gánh nặng gia đình đều đặt lên đôi vai tôi. Khó khăn lắm vợ chồng tôi mới kiếm được mụn con, dù sống trong cái đói nghèo nhưng tôi vẫn cố gắng để con mình không thua kém bạn bè. Nhưng càng lớn nó lại càng ương bướng, bất trị, không nghe lời mẹ. Đặc biệt, kể từ khi nó đòi lên thị trấn học thì nó bắt đầu ngoài kết giao cùng đám bạn bè lêu lổng. Chỉ một thời gian sau đó, nó bỏ học lao theo các tệ nạn xã hội.
Ban đầu là chơi game, nó mải chơi đến mức mẹ đứng ngay sau lưng mà cũng không biết gì. Tôi khuyên bảo để con mình về quê nhưng nó nhất định không chịu. Tôi bất lực nhìn còn mình lao vào những cám dỗ của cuộc đời.
Con trai tôi luôn sống chết vì đám bạn “vô công rồi nghề” hơn là bố mẹ nó. Nó ham chơi, lười làm và bòn mót từng đồng của bố mẹ mang đi tiêu xài. Bỗng một ngày, tôi nhận được điện thoại của nó báo cần gấp 80 triệu đồng để trả nợ cho đám xã hội đen nếu không sẽ bị chúng đánh đập.
Nghe tiếng con cầu cứu trong điện thoại tôi hoảng loạn vô cùng, không kịp hỏi lý do vì sao con lại nợ nần đến mức đấy. Nó còn bảo, nếu không cho nó sẽ nhảy cầu tự tử, tôi lạnh cả người, nước mắt cứ thế tuôn ra. Hoảng sợ, tôi liền cầm sổ đỏ ra ngân hàng vay để mang tiền đi “chuộc” con trai về. Tất cả xe máy, điện thoại tôi mua nó đều mang đi cầm cố, giờ đến căn nhà của tôi nó cũng không tha.
Sau này tôi mới biết được rằng, hóa ra đấy chỉ là vở kịch mà nó và đám bạn “vô công rồi nghề” của nó dựng lên để lấy tiền đi chơi, đánh lô đề… Tôi đau xót mà không thốt lên lời.
Người ta bảo “con dại cái mang” tôi luôn yêu thương lo lắng cho đứa con trai duy nhất của mình nhưng nó lại luôn khiến tôi đau khổ.
Cuộc sống lêu lổng của nó cứ ngày này qua ngày khác rồi đến lúc hết tiền nó lại về vòi vĩnh vợ chồng tôi. Tôi khóc không thành tiếng, còn quỳ lạy con trai mình hãy sống làm người tử tế, đừng hành hạ bố mẹ như thế nhưng nó vẫn không tỉnh ngộ. Nó hỗn hào cãi: “Sinh ra được thì phải chịu đựng được”.
Tôi như chết lặng người khi tận mắt chứng kiến hành động hung hãn để lấy bằng được tiền của đứa con trai mà tôi đã vất vả sinh thành nuôi nấng.
Cũng mấy lần tôi nghĩ quẩn không muốn sống làm gì nữa nhưng nhìn chồng mình ốm đau, không có tôi chăm sóc thì phải làm sao nên tôi cố gắng gượng. Giờ đây, cứ mỗi lần thấy con trai về đến cổng là vợ chồng tôi lại hoảng sợ. Tôi không biết đến bao giờ con trai tôi mới thấu hiểu nỗi khổ của bố mẹ và gia đình tôi hết sóng gió?”.
Vậy đấy, đứa con trai trong câu chuyện thật bất hiếu đúng không mọi người??? Đọc xong câu chuyện, Tất cả mỗi chúng ta hãy thử nhìn lại mình, soi lại những lỗi lầm mình từng gây ra khiến bố mẹ mình buồn và đau khổ để rồi tự thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực, sống tốt hơn, yêu thương, chăm sóc bố mẹ nhiều hơn và xứng đáng là những đứa con ngoan của các đấng sinh thành!!!