Với người Việt, dù là theo đạo nào Phật Giáo hay Công giáo thì trong gia đình cũng luôn có bàn thờ và chắc chắn một linh vật không thể thiếu được trên đó chính là bát hương hay bát nhang. Đây là một vật linh thiêng trong thờ cúng và là biểu hiện tâm linh trên bàn thờ.
Cách đặt vị trí bát hương trên bàn thờ gia tiên phải theo một nguyên tắc nhất định của từng vùng. Bát hương là nơi giáng của các hương linh, thần, thánh, tổ tiên và cũng thể hiện sự thành kính của gia chủ đối với cõi âm. Bát hương thờ là hình thức hội tụ tâm thức. Giống như một sợi dây vô hình để khi gia chủ thắp hương cầu nguyện là thần linh, tổ tiên có thể chứng giám được lòng thành. Vì vậy bát hương phải có sự phân chia riêng cấp bậc giữa “quan lại” và chúng dân.
Bát hương trên bàn thờ có nhiều cách đặt và thờ khác nhau, nhưng theo Thông thư gia bảo của chi phái họ Nguyễn Chính Tộc hương thôn Trà Khê thì bát hương trên ban thờ thường ứng với các số lẻ: 3 – 7 – 12 vì Người sống trải qua:Sinh – Lão – Bệnh – Tử sau khi mất đi thì ứng với: Quỷ – Khốc – Linh – Thính tức là: mất đi hồn lìa khỏi xác thành Quỷ, chết giờ tốt không bì hung thần, chết giờ xấu bị hung thần giữ xác, sau khi chết đi nhờ tiếng Khóc ( Khốc ) sự thờ cúng của con cháu mà thành Linh thiêng ( Linh ) và hết tuần 49 rồi hết 100 ngày vong sạch sẽ được đưa vào chùa tụng kinh, nghe kinh mà cứu rỗi siêu thoát nên Thính. Bát hương cũng ứng với chữ như thế.
Trai bên trái, gái bên phải
Theo ông Luyện Văn Dũng – một người am hiểu về phong tục cúng giỗ ở Yên Mỹ, Hưng Yên, một bàn thờ thường đặt 3 bát hương trên đế Tam sơn. Ba bát hương này khi đứng từ ngoài nhìn vào thì ở giữa là bàn thờ thổ công, hội đồng gia tiên, còn hai bên thì đặt bát hương thờ bà tổ cô và bát hương thờ ông mãnh theo quan niệm “trai bên trái, gái bên phải”.
Ảnh đặt cũng sắp xếp theo “trai bên trái, gái bên phải” và theo cấp bậc, mỗi bát hương để cách nhau khoảng 10cm. Trong đó bát hương thổ công bao giờ cũng to hơn 2 bát kia và đặt ở vị trí cao hơn. Nhiều nhà đặt quá nhiều bát hương trên bàn thờ là không đúng cách sẽ không tổ hợp được sức mạnh tâm linh. Ngoài ra, không thể để thờ hai họ nội và ngoại cùng bát hương bởi quan niệm trần sao âm vậy.
Tuy nhiên, theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông phương (Hội Nghiên cứu Phát triển Khoa học Việt Nam – Đông Nam Á) tùy thuộc vào hoàn cảnh từng nhà mà đặt bàn thờ cũng như lập các bát hương, chứ không nên quá máy móc. “Điều quan trọng là cái tâm thành kính. Nhiều người cho rằng, không nên thờ chung họ nội và ngoại trong một bàn thờ nhưng theo tôi điều đó không sao cả bởi bàn thờ giống như một lịch sử của một dòng họ là để tưởng niệm, biết ơn với những người quá cố đã sinh thành, nuôi dưỡng mình. Hơn nữa, việc đặt vị trí bàn thờ là điều quan trọng rồi nhưng điều quan trọng hơn cả là bạn phải luôn giữ cho bàn thờ phải luôn sạch sẽ, thường xuyên thắp hương để tưởng nhớ về tổ tiên và người đã khuất, bàn thờ thần tài cầu may”, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh nói.
Về vị trí đặt bàn thờ, ông Luyện Văn Dũng cho biết, theo tập tục của dân gian thì ban thờ gia tiên thường được đặt giữa gian nhà hướng ra mặt tiền. Tuy nhiên, việc đặt bàn thờ có một nguyên tắc là hướng về cái đẹp và tùy theo tuổi của gia chủ. Mỗi gia đình tùy theo hoàn cảnh rộng, hẹp, nhiều tầng hay nhiều phòng mà chọn chỗ đặt bàn thờ cho thích hợp nhưng phải hướng về cái đẹp: Thiên y, Sinh khí, Phúc đức hoặc Phục vị, chứ không được đặt bàn thờ hướng về cái xấu: Tuyệt mệnh, Ngũ quỷ, Họa hại, Lục sát.
*Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo