Bên cạnh câu chuyện phòng cháy thì câu hỏi nữa khiến dư luận nhức nhối là chuyện chữa cháy. Theo các nhân chứng thì đám cháy bắt đầu khoảng lúc 14h ngày 1.11. Phải đến gần 19h thì đám cháy mới cơ bản được khống chế và phải đến 23h đêm thì mới đưa được thi thể các nạn nhân ra ngoài. Một đám cháy giữa thủ đô diễn ra trong suốt gần 5 tiếng và phải thêm từng ấy thời gian nữa mới có thể đưa các nạn nhân ra có vẻ là quá lâu.
Từ nơi xảy ra đám cháy đến trụ sở gần nhất của cảnh sát cứu hỏa có xa không? Rất bất ngờ là không. Quán KTV ở 68 Trần Thái Tông chỉ cách trụ sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy quận ở đường Nguyễn Phong Sắc (cùng trục đường với Trần Thái Tông) khoảng 700-800 m. Tức là chưa đầy 1 cây số.
Lực lượng chữa cháy có nỗ lực xử lý vụ việc không? Rất nỗ lực. Nếu không có họ khống chế và dập lửa ở ba công trình xung quanh thì đám cháy có thể lan rộng và hậu quả còn kinh khủng hơn nhiều. Thậm chí, đã có các chiến sĩ bị thương khi cứu hỏa. ông Trần Văn Sáu, giám đốc Bệnh viện 198: “Có 2 chiến sĩ bị thương khi tham gia dập lửa ở phố Trần Thái Tông được chuyển đến bệnh viện. Trong đó, một người bị thương ở tay và chân trái, người còn lại bị bỏng”.
Trụ sở chữa cháy thì gần, các chiến sĩ nỗ lực không ngại nguy hiểm? Vậy sao mà phải lâu vậy mới xử lý xong đám cháy. Hơn nữa địa hình đám cháy không quá phức tạp. Quán này cao 9 tầng, một tum, là dạng nhà ống với mặt tiền khoảng 5 m, sâu gần 20 m.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại thực tế thì mới thấy cái khó của lực lượng chữa cháy. Tuy trụ sở cách nơi cháy chỉ 800 mét nhưng đó là tính theo đường chim bay chứ thực tế thì do tắc đường, do cấm đường nên xe phải chạy lòng vòng trên những con đường kẹt xe liên miên nên khó đến nhanh.
Công trình bị cháy lại xây kín mít, không có cửa sổ thông khí, phía ngoài bị bao phủ bởi tấm biển quảng cáo suốt từ tầng 2 đến 7 nên thang cứu hoảng không thể tiếp cận lên các tầng cao phía trên để cứu người.
Điều này khiến người ta phải lo lắng vì với những tòa nhà như vậy mà lực lượng cứu hỏa đã bối rối thì với các nhà cao ốc hàng chục tầng mà cháy xảy ra ở các tầng cao thì sao? Ở nước ngoài, để cứu hỏa cho các cao ốc thì họ cũng không thể dùng xe thang để tiếp cận hiện trường mà phải dùng trực thăng cứu hỏa. Nếu có trực thăng cứu hỏa thì không phải lo kẹt đường để có thể bay thẳng đến hiện trường cứu nạn nhân, hay đưa lực lượng cứu hỏa vào nơi khó tiếp cận.
Thực tế thì đã từng có đề cập đến chuyện này. Cách đây 5 năm, sau vụ cháy ở tòa nhà 33 tầng Cửa Bắc thì chính quyền Hà Nội đã đề cập việc mua máy bay cứu hỏa. Nhưng khi ấy, đại diện hàng không và Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đều cho rằng việc này chưa khả thi vì liên quan tới tài chính, bãi đỗ, điều kiện bay… Riêng giá máy bay đã từ 1,2 triệu đến hàng chục triệu USD chưa kể đến chi phí bảo dưỡng, nuôi đội bay… Ngay Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP HCM Lê Tấn Bửu khi ấy còn cho hay, vấn đề không lưu, quy chế bay, bảo dưỡng, đội ngũ phi công… cũng khá phức tạp bởi không phải mua máy bay về là dùng ngay, có khi mấy năm mới sử dụng đến, rất dễ hư hỏng.
Nhưng tháng 4 năm nay thì chính Đại tá Trần Thanh Châu – Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP HCM, cho biết đã trình lên Hội đồng Nhân dân TP HCM xem xét việc mua máy bay trực thăng cứu hỏa. Ông Châu cho biết dù giá của mỗi chiếc trực thăng chữa cháy lên đến 1.000 tỉ đồng nhưng việc trang bị là cần thiết vì trực thăng chữa cháy đáp ứng nhu cầu trong công tác dập lửa ở các nhà cao tầng, khu vực khó dập lửa.