Ăn cỗ đám ma, 7 người chết ở Lai Châu: Thêm một nạn nhân tử vong
Như đã đưa tin, ngày 10/2, gia đình ông Phu Vần Lẻng (sinh năm 1957, dân tộc Hà Nhì, ở bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, Lai Châu) tổ chức ăn cơm uống rượu. Đến tối, ông Lẻng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và tử vong lúc 22 giờ cùng ngày. Sau khi ông Lẻng tử vong, gia đình tổ chức hậu sự, nhân dân trong bản đến ăn cơm, uống rượu trong các ngày 11, 12, 13/2 theo phong tục địa phương.
Theo lời kể của các nhân chứng, tại đám tang, các nạn nhân có uống rượu và ăn bánh kẹo. Sau đó, ngày 13/2 đã xảy ra hiện tượng nhiều người bị đau đầu, đau bụng, buồn nôn, giãn đồng tử rồi tử vong.
Theo thông tin mới nhất, ông Dương Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, Lai Châu cho biết, nạn nhân là ông Chẻo Sìn Hào, 51 tuổi, dân tộc Dao (ở bản Sín Chải, xã Sì Lở Lầu).
Ông Hào không ăn uống tại đám tang ông Phu Vần Lèng ở bản bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải nhưng thường xuyên mua rượu tại cửa hàng Hương Dìn (nơi cung cấp rượu cho nhà ông Lèng).
Khi hay tin một loạt người dân tại bản Tả Chải phải nhập viện, ông Hào và một số người dân nghĩ bản đó có dịch bệnh nên bỏ lên nương làm, khi đi mang theo can rượu.
Tối 15/2, ông Hào có biểu hiện hoa mắt, đau đầu không ngồi dậy được. Đến sáng hôm sau, được gia đình đưa đến trạm y tế xã rồi chuyển lên BV đa khoa tỉnh cấp cứu trong tình trạng hôn mê, đồng tử giãn to.
Các bác sĩ đã tiến hành lọc máu, chạy thận, giải độc. Tuy nhiên, sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân diễn biến nặng lên, tử vong.
Như vậy, đến nay số người chết liên quan đến ngộ độc rượu tại Lai Châu đã lên tới 9 người, trong đó có 8 người uống rượu tại đám tang, 60 người khác phải nhập viện và chừng đó người dân đến khám, theo dõi tại các cơ sở y tế.
Ông Đức cũng cho biết, đến nay cơ quan chức năng đã thu hồi và tiêu huỷ gần 5.000 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ ở 8 xã biên giới, trong đó người dân tự nộp gần 1.000 lít.
Sở GD&ĐT Hậu Giang báo cáo về vụ thầy giáo và học sinh đánh nhau tay đôi trong lớp học
Theo Zing.vn, ngày 20/2, Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang có báo cáo gửi lãnh đạo tỉnh và một số cơ quan về việc thầy giáo và nữ sinh đánh nhau trong lớp.
Theo báo cáo, vụ việc xảy ra vào tiết 5 ngày 15/2 tại lớp 10 A3 của trường THPT Tầm Vu (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang). Thầy N.Q.K (giáo viên dạy toán, chủ nhiệm lớp 10 A3) và nữ sinh N.T.K.N đánh nhau trong lớp.
Từ báo cáo của nhà trường và xác minh của Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang, thầy K cùng nữ sinh đã tự kiểm, tùy mức độ vi phạm sẽ có hình thức xử lý phù hợp.
“Giáo viên phải thực hiện nghiêm túc quy định về đạo đức của nhà giáo. Làm thế nào để hình ảnh người thầy luôn là tấm gương cho các em noi theo, tránh những trường hợp đáng tiếc tương tự xảy ra”, một lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang cho hay.
Theo sở này, đây là sự việc nảy sinh nhất thời trong giờ học. Nhà trường, gia đình và những người liên quan đã nhận ra khuyết điểm, cũng như thông cảm cho nhau.
Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang cũng khẳng định sẽ xem xét xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Thầy K và em N đã thừa nhận hành động của mình là sai, thiếu suy nghĩ và tỏ ra rất hối hận.
Trả lời báo chí, thầy Nguyễn Văn Tỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Tầm Vu cho biết quan điểm của trường là xử lý nghiêm, đúng sự việc, không bao che.
Trước đó, clip dài 23 giây được đăng tải trên mạng xã hội ngày 16/2 ghi cảnh nam giáo viên với nữ sinh cùng cầm tập sách đánh nhau túi bụi.
Khi thầy giáo bỏ đi, nữ sinh ném sách theo rồi cầm cây viết trong tư thế sẵn sàng chống trả những ai đến gần. Sự việc xảy ra trong lớp học nhưng không học sinh nào can ngăn.
Thầy Tỉnh cho biết nhà trường sẽ thành lập Hội đồng kỷ luật kiểm điểm trách nhiệm của thầy giáo và học sinh (kể cả 2 em N.V.V dùng điện thoại quay vụ việc và em P.T.S học cùng lớp tung clip lên mạng).
Vụ học sinh bị gãy chân trong sân trường: Cách chức Hiệu trưởng, Hiệu phó
Báo VOV đưa tin, liên quan đến vụ việc học sinh bị tai nạn gãy xương đùi tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội, tối 20/2, trao đổi với phóng viên VOV, ông Nguyễn Hùng Tiến, Chủ tịch công đoàn Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy cho biết: Chiều 20/2, Hội đồng kỷ luật của UBND quận Cầu Giấy đã họp và quyết định mức kỷ luật là cách chức Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên đối với bà Tạ Thị Bích Ngọc và chức Hiệu phó đối với bà Nguyễn Thị Hương.
Theo ông Nguyễn Hùng Tiến, sáng 20/2, UBND thành phố họp yêu cầu làm công văn thông báo về vụ việc trước ngày 22/2. Sau khi Phòng Giáo dục họp xong ngày mai sẽ ra quyết định chính chức.
“Sáng nay, Công an thành phố Hà Nội đã có kết luận chính thức về việc tranh cãi là chiếc ô tô có cô Hiệu phó và Hiệu trưởng ngồi không, thì đã kết luận là có”, ông Nguyễn Hùng Tiến nói.
Trước đó, ngày 1/12/2016 vừa qua, em Trần Chí Kiên học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Nam Trung Yên, P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội, trong lúc vui chơi cùng các bạn thì bị xe taxi chạy vào trường va vào khiến cho em này bị gãy xương đùi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Những học sinh có mặt tại hiện trường cho rằng, thời điểm xảy ra vụ việc, các em có thấy trên xe có cô hiệu trưởng và một giáo viên khác. Tuy nhiên, trong báo cáo vụ việc bà Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc lại phủ nhận và đưa ra giải thích khác.
Trên đường đi tuần tra, nhân viên bảo vệ rừng tử vong bất thường
Theo Tiền Phong, tối 20/2, Công an huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho hay, đang tiếp tục điều tra tại hiện trường, tổ chức khám nghiệm tử thi nạn nhân Trịnh Xuân Khấm bị tử vong lúc đang làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng.
Trưa cùng ngày, lực lượng chức năng đã phát hiện ông Trịnh Xuân Khấm (ở khóm 1, thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa), nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa-ĐakRông tử vong tại khu vực cột mốc 599 thuộc địa phận xã Hướng Phùng, Hướng Hóa.
Tại hiện trường, ngoài xe máy của anh Khấm, còn có xe ôtô Fortune Lào mang BKS 2309 bị hư hỏng khá nặng. Ông Khấm là chuyên trách bảo vệ rừng phụ trách trạm Cu Vơ (xã Hướng Linh, Hướng Hóa).
Giọt nước mắt muộn màng của người đàn ông lĩnh án tử xin được sống để hiến thận cho con gái
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, ngày 28/12/2012, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ Tú cùng “trùm” Nguyễn Trọng Tuấn và đồng bọn là Xuồng Nho Chá, Bùi Ngọc Tình, Nhúa Xồng (quốc tịch Lào), thu giữ 58 bánh heroin đưa từ Lào về trên bốn xe ô tô.
Sau đó công an bắt thêm Phạm Thị Liễu ở Bắc Ninh. Kết quả điều tra cho thấy chỉ trong hai tháng (từ tháng 10-2012 đến khi bị bắt) Tuấn, Tú và các đồng phạm đã mua bán 208 bánh heroin (trọng lượng 72.864 g) và 321 viên ma túy tổng hợp (trọng lượng 30 g) từ Lào đưa về Việt Nam rồi bán sang Trung Quốc và các nước.
Chiều 28/8/2013, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt tử hình Tuấn và Chá về tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Ba bị cáo Tú, Xồng, Liễu bị tù chung thân, bị cáo Tình 20 năm tù về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Sau phiên tòa trên, Tú được đưa đến Trại giam Đông Sơn (đóng ở tỉnh Quảng Bình) để thi hành án. Năm 2015 chánh án TAND Tối cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị TAND tỉnh Nghệ An đưa bị cáo Tú ra xét xử lại theo hướng tăng nặng.
Tại phiên tòa, bị cáo Tú thành khẩn khai báo, thể hiện ăn năn hối cải và trình bày hoàn cảnh là bị cáo Tuấn chỉ có một người con gái duy nhất. Nhưng người con gái của Tuấn sinh ra chỉ có một quả thận, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, sức khỏe yếu. Bị cáo Tú khóc, nói: “Mong HĐXX cho bị cáo một con đường sống để có cơ hội hiến thận cho con”.
HĐXX sơ thẩm nhận định bị cáo Tú có nhiều tình tiết xem xét giảm nhẹ nhưng hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, số lượng heroin lớn, phạm tội nhiều lần, đóng vai trò giúp sức tích cực trong đường dây mua bán trái phép chất ma túy. Do vậy cần phải loại bỏ bị cáo Tú khỏi đời sống xã hội để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, đủ sức răn đe người khác.