Giá vàng SJC giao dịch hôm qua (10/2) giảm mạnh hơn 200.000 đồng/lượng, chốt ngày ở mức 36,72 – 37,02 triệu đồng/lượng.
Mở cửa sáng nay (11/2), giá vàng SJC tăng trở lại 150.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào – bán ra. Hiện đang niêm yết ở mức 36,87 – 37,17 triệu đồng/lượng.
Như vậy, tính chung từ đầu tuần (Ngày Vía Thần Tài), giá vàng SJC đã giảm 330.000 đồng/lượng chiều mua vào – giảm 530.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu đầu giờ sáng nay cũng tăng trở lại 50.000 đồng/lượng so với chốt phiên chiều ngày hôm qua. Hiện đang được niêm yết ở mức 34,48 – 34,93 triệu đồng/lượng, bằng giá mở cửa ngày hôm qua.
Trên thị trường thế giới, mỗi ounce vàng đóng cửa tuần này ở 1.232,9 USD, tăng 5,1 USD so với phiên trước đó. Vàng kỳ hạn giao tháng 4 cũng đóng cửa ở 1.232,9, tăng hơn 5,1 USD.
Việc cổ phiếu Mỹ tăng lên mức kỷ lục, cùng với việc đồng USD tiếp tục tăng giá khiến cho giá vàng giao dịch quanh mức 1.230 USD/ounce. Vàng vẫn duy trì được sức mạnh nhờ tình hình kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên lại có thêm một vấn đề khác đang làm thị trường lo ngại, đó việc Mỹ và Đức đang tranh cãi gay gắt với nhau về việc thâm hụt thương mại đang leo thang đỉnh điểm với việc bên nào đang lợi dụng vấn đề này để có lợi không chính đáng. Điều này khiến giới đầu tư có xu hướng “án binh bất động”, khiến giá vàng chưa thể hạ nhiệt.
Theo tỷ giá Vietcombank, mỗi lượng vàng quốc tế quy đổi hiện có giá 33,7 triệu đồng. So với giá mua bán 36,8 – 37 triệu đồng một lượng của vàng SJC, vàng “ngoại” vẫn đang thấp hơn 3,3 triệu.
Nhìn lại tuần qua, giá vàng trong nước tăng giảm tích cực, giá tăng đầu tuần do có ngày Vía Thần tài và càng giảm về phiên cuối tuần. DOJI cho rằng, giá vàng nội hiện vẫn chưa có đủ lực để dẫn dắt thị trường giao dịch linh hoạt, sôi động hơn. Thay vào đó hầu hết các giao dịch trong tuần rất thưa thớt chỉ mang tính chất tham khảo và chờ đợi cơ hội.
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND cuối tuần được Vietcombank niêm yết ở 22.610 – 22.680 đồng. Các ngân hàng khác có mức giá tương tự.