2 tháng trước, một bà mẹ tại Trung Quốc đã đưa con đến kiểm tra ở bệnh viện sau khi nhận thấy con liên tục sụt cân, mệt mỏi, biếng ăn, lưỡi khô. Sau hàng loạt các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ kết luận, cháu bé bị chậm phát triển, thiếu máu do thiếu axit folic. Lúc này, người mẹ bần thần không nghĩ ra lý do gì đã khiến con mình gặp tình trạng khủng khiếp như vậy.
Sau khi các bác sĩ hỏi thăm cặn kẽ hơn về thói quen ăn uống của bé, cách chuẩn bị thức ăn của mẹ, chị gần như ngã quỵ khi biết chính mình đã hại con phát triển chậm.
Theo các bác sĩ, axit folic (còn gọi là folate) – chất mà cháu bé trên bị thiếu – có rất nhiều trong thực vật, đặc biệt là các loại rau như bông cải xanh, cải xoắn, rau bina… Đây là chất đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ, tạo ra và duy trì tế bào cho cơ thể, đồng thời góp phần thực hiện chức năng não, phát triển hệ thần kinh, và hành vi của trẻ. Thiếu axit folic đồng nghĩa với việc trẻ mệt mỏi, biếng ăn, giảm nhận thức, chậm phát triển, kém thông minh.
Người mẹ này đã làm sai điều gì dẫn đến tình trạng nghiêm trọng của con như thế? Đó chính là thói quen tưởng như kĩ càng nhưng lại đầy nguy hại: ngâm rau quá lâu trong nước. Xuất phát từ quan điểm rau bị phun thuốc nên phải ngâm lâu trong nước để bỏ hết dư lượng hóa chất, các bà mẹ vô tình đã khiến rau xanh mất chất, thẩm chí còn bị hóa chất thẩm thấu ngược, xâm nhập vào rau. Khi vách tế bào của rau bị phá vỡ do nước thẩm thấu vào quá nhiều, dung dịch trong tế bào chất sẽ hòa tan, từ đó làm mất chất dinh dưỡng trong rau, trong đó có axit folic – chất quan trọng đã đề cập ở trên.
Nguyên tắc rửa từng loại rau xanh
Theo các chuyên gia, rau xanh được chia làm 4 loại: lá, quả, củ và hoa. Mỗi loại sẽ có nguy cơ nhiễm bẩn, ô nhiễm nguồn nước khác nhau nên khi rửa cần phân loại để làm sạch.
Rau ăn lá được xếp vào dạng ô nhiễm nhiều nhất và nguy cơ mang mầm bệnh tả cao do chứa nhiều vi khuẩn E.Coli và Salmonella từ việc tưới phân tươi trực tiếp lên lá. Vì thế, khi mua về, nên nhặt sạch rau, ngâm qua nước và bắt đầu rửa từng lá, cọng dưới vòi xối. Các cành rau nhỏ như rau muống… phải rửa làm nhiều lần, sau đó rửa từng mớ nhỏ bằng nắm tay dưới vòi nước. Cách tốt nhất hiện nay để loại bỏ các khuẩn tả là ngâm qua nước. Một chậu nước khoảng 10 lít chỉ cho lưng thìa cà phê (một thìa nhỏ) muối ngâm trong vòng 5 phút.
Rau ăn quả thường ít ô nhiễm hơn rau ăn lá bởi quả chủ yếu leo giàn nên khi tưới ít bị dính phân. Nhưng rau ăn quả dễ bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật do thu hoạch quá sớm chưa hết hạn cách ly thuốc hay ô nhiễm khi bảo quản. Khi mua về không nên ăn liền theo thói quen vẫn tồn tại của người Việt Nam. Hãy rửa sạch từng quả rồi bọc nylon cho vào tủ lạnh, ăn sau 2 ngày. Với cách này, rau quả vẫn đảm bảo độ tươi ngon, vừa có thời gian để thuốc phân hủy. Các loại rau quả cần ăn ngay nên rửa sạch dưới dòng nước và ngâm nước muối. Tránh ngâm nước muối rồi cho vào tủ lạnh để cách ngày vì quả dễ bị hỏng.
Rau ăn củ nói chung đảm bảo an toàn hơn nên không cần ngâm nước muối hay thuốc tím. Khi chế biến rau củ nên rửa sạch vỏ sau đó gọt và rửa lại lần nữa. Cách này hạn chế các chất bẩn dính ngoài vỏ củ vào phần thịt củ đã gọt.
Rau ăn hoa được xem là đảm bảo vệ sinh nhất. Hoa thường ở trên cao và rất kỵ với các loại thuốc bảo vệ thực vật hay phân phun trực tiếp vào, rất khó dính bẩn. Khi phun người trồng phải dùng lá đậy mặt hoa nên chế biến chỉ cần rửa hoa sạch dưới vòi nước là đảm bảo an toàn.
Rau gia vị chỉ cần rửa qua. Các loại rau gia vị như hành, thì là hay các loại quả vỏ trơn bóng như cà chua, cà tím, ớt tươi… cũng cần phải rửa sạch như các loại rau khác vì nhiều nơi trồng hành còn bẩn hơn cả rau, họ có thể tưới phân tươi… nên nguy cơ nhiễm ký sinh trùng rất cao.