Tuy nhiên, giữa lúc những tranh cãi về tác hại đối với sức khỏe của dòng thực vật này vẫn còn chưa ngã ngũ, thì mới đây, một nhận định trên báo New York Times (Mỹ) lại cho thấy cây trồng biến đổi gen tại Mỹ và Canada trong thời gian qua không hề giúp tăng sản lượng và cũng như không làm giảm sử dụng thuốc trừ sâu.
Nhận định này được đưa ra trên cơ sở một kết quả kiểm tra tổng quát do chính tờ báo có lượng độc giả khổng lồ này thực hiện, có sử dụng dữ liệu của LHQ, khi so sánh năng suất lương thực và khối lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tại khu vực châu Âu và Mỹ – Canada.
Trước đây, các nhà sản xuất cây biến đổi gen từng hứa hẹn rất nhiều về lợi ích của việc phát triển các loại cây trồng biến đổi gen. Trong đó nổi bật nhất là giúp cây trồng tăng khả năng miễn nhiễm với các loại sâu bệnh, cây trồng cũng sẽ tăng trưởng nhanh hơn, cho năng suất cao, sử dụng ít hơn thuốc trừ sâu mà vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu lương thực ngày càng tăng của dân số thế giới. Trong khi phần lớn khu vực châu Âu từ chối, thì Mỹ và Canada lại nhiệt tình ủng hộ. Trong vòng 20 năm qua, khi hầu hết các nước châu Âu quay lưng với loại cây trồng này, thì diện tích tại Mỹ và Canada không ngừng tăng lên.
Thế nhưng, khi so sánh sản lượng lương thực của Mỹ và Canada với hai quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại tương đương là Pháp và Đức, thì đã xuất hiện những khác biệt gây bất ngờ lớn. Cụ thể, nếu như tại Pháp, việc sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt nấm giảm 65%, thuốc diệt cỏ giảm 36%, thì việc sử dụng các loại thuốc diệt cỏ lại gia tăng tại Mỹ, và chỉ có giảm khoảng 30% hóa chất diệt côn trùng và nấm.
Tại Việt Nam, một khối lượng lớn đậu nành, ngô bán trên thị trường là sản phẩm biến đổi gen. Ngoài ra, còn có một số loại trái cây nhập khẩu như táo, chuối, cà chua… cũng là sản phẩm biến đổi gen, nhưng ngoài số ít những sản phẩm có đóng gói, có bao bì của nhà sản xuất, phân phối, thì hầu hết sản phẩm còn lại đều không có dấu hiệu để người tiêu dùng có thể nhận biết đó có phải là sản phẩm biến đổi gen hay không.
Với kết quả mà New York Times vừa công bố, rất nhiều người hẳn sẽ đặt dấu hỏi lớn, rằng như vậy thì người ta trồng cây biến đổi gen để làm gì? Hay chỉ để nhằm phục vụ cho lợi ích cục bộ của những nhà sản xuất và cung cấp, phát triển cây trồng biến đổi gen?
Tất nhiên, còn cần phải có thêm nhiều nghiên cứu khoa học nghiêm túc khác để đánh giá một cách toàn diện những tác dụng/tác hại của cây trồng và sản phẩm biến đổi gen, nhưng tâm lý hoài nghi gia tăng trong nhiều người tiêu dùng đối với dòng sản phẩm này là có thật.